Siêu kênh đào quy mô hàng nghìn km lớn bậc nhất thế giới: Hồi sinh những con sông khô hạn hàng thập kỷ, đã đem 77 tỷ m3 nước 'tưới mát' cho hơn 185 triệu dân
Sau hơn 10 năm, Dự án chuyển nước Nam - Bắc với kênh dài hàng nghìn km đã cải thiện cuộc sống hàng triệu người tại vùng khô hạn phía Bắc Trung Quốc.
Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với một bài toán lớn về phân bổ tài nguyên nước. Trong khi các khu vực phía Nam dồi dào nguồn nước, miền Bắc lại thường xuyên rơi vào tình trạng khô hạn. Đây là nơi sinh sống của khoảng một phần ba dân số đất nước, và nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng đã khiến vấn đề này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Để giải quyết, Trung Quốc đã triển khai Dự án chuyển nước Nam - Bắc vào năm 2002, một siêu dự án kỹ thuật có quy mô lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này. Mục tiêu của dự án là vận chuyển 44,8 tỷ m3 nước ngọt từ phía nam lên phía bắc mỗi năm vào năm 2050. Đến nay, sau hơn một thập kỷ vận hành, dự án đã chuyển thành công hơn 76,7 tỷ m3 nước, mang lại lợi ích to lớn cho hơn 185 triệu người tại 45 thành phố lớn và vừa, theo số liệu từ Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc.
Dự án gồm ba tuyến chính: trung tâm, đông và tây. Tuyến trung tâm, với chiều dài 1.432 km, bắt đầu từ hồ Đan Giang Khẩu (tỉnh Hồ Bắc) và đi qua Hà Nam, Hà Bắc, đến Bắc Kinh và Thiên Tân. Tuyến đông dài 1.467 km, vận chuyển nước từ sông Dương Tử qua các tỉnh như Giang Tô, Sơn Đông, Hà Bắc và Thiên Tân.
Nguồn nước từ dự án không chỉ cung cấp nước sinh hoạt mà còn góp phần phục hồi sinh thái. Sông Chaobai ở quận Thuận Nghĩa, Bắc Kinh, từng khô cạn hơn hai thập kỷ, nay đã hồi sinh nhờ nguồn nước từ tuyến trung tâm. Hồ Mật Vân, nguồn cung cấp nước quan trọng cho Bắc Kinh, giờ đây không còn chịu áp lực như trước nhờ nước bề mặt được vận chuyển từ phía nam.
Theo ông Wang Yisen, cựu kỹ sư trưởng của dự án, cho biết: “Dự án đã cải thiện hiệu quả việc phân bổ tài nguyên nước. Ví dụ, Bắc Kinh giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nước ngầm nhờ nguồn cung nước bề mặt từ phía nam tăng. Ngoài ra, chất lượng nước được cải thiện, với nhiều khu vực hiện có nước loại 1 và 2, phù hợp để uống và nâng cao sức khỏe hệ sinh thái”.
Thành phố Tiêu Tác (tỉnh Hà Nam) là một ví dụ tiêu biểu cho hiệu quả của dự án. Nhờ nhận được hơn 430 triệu m3 nước từ hồ Đan Giang Khẩu, thành phố đã giải quyết được tình trạng thiếu nước và chuyển đổi mô hình kinh tế từ dựa vào than sang phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, hơn 60 triệu m3 nước đã được sử dụng để phục hồi hệ sinh thái tại địa phương. Một hành lang xanh dài 10km được xây dựng dọc theo kênh nước, vừa là không gian giải trí cho người dân, vừa đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường.
Công nghệ hiện đại đóng vai trò không thể thiếu trong sự thành công của dự án. Tại trạm bơm Baoying (tỉnh Giang Tô), hệ thống “song sinh kỹ thuật số” được triển khai, giúp giám sát và quản lý dòng nước theo thời gian thực. Hệ thống này không chỉ tăng hiệu quả vận hành mà còn giảm tiêu thụ năng lượng và nhân sự.
Nhờ áp dụng công nghệ, số lượng nhân viên tại trạm bơm đã giảm từ 12 xuống còn 6 người mỗi ca, trong khi hiệu suất hoạt động và bảo trì được cải thiện đáng kể.
Ông Wu Wenqing, trưởng bộ phận kế hoạch của Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc, khẳng định: “Việc tăng cường đổi mới công nghệ và tiến hành nghiên cứu sâu về những công nghệ then chốt như xây dựng đập thông minh rất quan trọng. Điều này sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật vững chắc giúp thực hiện thành công các dự án thủy lợi”.
Mặc dù tuyến trung tâm và tuyến đông đã đạt được nhiều thành tựu, việc triển khai tuyến tây vẫn đối mặt với nhiều thách thức, do địa hình núi non hiểm trở. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ tăng tốc các nghiên cứu và đầu tư để hoàn thành tuyến này, đảm bảo hệ thống phân bổ tài nguyên nước bền vững và hiện đại.
Đến nay, tổng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng nước đã đạt 151,66 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, giúp thúc đẩy tiến độ dự án và mở rộng khả năng tiếp cận nguồn nước cho hàng triệu người dân.
Dự án chuyển nước Nam - Bắc không chỉ là một giải pháp kỹ thuật mà còn là biểu tượng cho tầm nhìn chiến lược của Trung Quốc trong việc giải quyết khủng hoảng tài nguyên nước. Với sự đầu tư mạnh mẽ và ứng dụng công nghệ tiên tiến, dự án tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Như ông Wang Annan, chủ tịch Tập đoàn chuyển nước Nam - Bắc, nhận định: “Để xây dựng một hệ thống vững chắc và an toàn, chúng ta phải tăng tốc phát triển những mạng lưới nước hiện đại, đồng thời tích hợp tiến bộ khoa học công nghệ”.
*Theo CGTN
>> Sử dụng máy bay không người lái và Google Earth, phát hiện hệ thống kênh đào 4.000 năm tuổi