Hơn 23 triệu học sinh chính thức bước vào năm học mới
Sáng nay (5/9), hơn 23 triệu học sinh trên cả nước dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2024-2025.
Tại Hà Nội. Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, năm học này, Thủ đô tiếp tục dẫn đầu về số lượng học sinh với gần 2,3 triệu em, 130.000 giáo viên và hơn 2.900 trường học. Đây cũng là một năm học đặc biệt khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở tất cả các khối lớp.
Ngay khi kết thúc năm học 2023 - 2024, Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị quận, huyện tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, phòng học để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn.
Sáng nay, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng có mặt tại Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam để cùng các học trò dự khai giảng năm học mới.
7h học sinh đã có mặt đông đủ tại sân trường, chuẩn bị cho lễ khai giảng bắt đầu vào 7h30.
Hình ảnh tại Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Tân Triều, Hà Nội) lúc 7h ngày 5/9. Phó Hiệu trưởng Văn Liên Na chia sẻ: “Với trường Lương Thế Vinh, lễ khai giảng không chỉ là dấu mốc bắt đầu năm học mới mà còn là ngày hội đến trường của học sinh. Nhà trường luôn tạo không khí sôi động để học sinh hào hứng tham gia các hoạt động vui chơi, thể hiện bản thân, và cảm thấy mình là nhân vật trung tâm. Chủ đề khai giảng ‘Cùng Lương Thế Vinh kiến tạo tương lai xanh’ - thể hiện cam kết của nhà trường trong việc đào tạo thế hệ trẻ giỏi kiến thức, có ý thức bảo vệ môi trường, hướng tới một tương lai bền vững và tươi đẹp”.
Hôm nay, trường cũng cắt băng khánh thành thùng rác phân loại chuyên biệt cho giấy, chai nhựa và thủy tinh - khởi đầu triển khai rộng hoạt động phân loại rác trong môi trường học đường, biến rác thành tài nguyên quý và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Tại TP.HCM, năm nay địa phương này dự kiến có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp, tăng hơn 24.000 em so với năm học trước. Tăng học sinh là một trong những áp lực của TPHCM trong những năm qua, nhất là tại những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học cao.
Hình ảnh tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM.
Đà Nẵng. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), cô Hà Ngọc Huyền chia sẻ, năm nay cô được nhà trường phân công phụ trách chủ nhiệm lớp 1/5 với 38 em. Từ sáng sớm, cô Huyền và các giáo viên đã có mặt để chuẩn bị cho lễ khai giảng.
Trong khi đó, Nhã Quyên (lớp 3/5) hào hứng khi quay trở lại trường sau thời gian nghỉ hè. Sáng nay, em dậy từ 5h để bố mẹ chuẩn bị đưa đến trường dự khai giảng.
Năm nay, Đà Nẵng có khoảng 290.300 trẻ mầm non và học sinh phổ thông bước vào năm học mới. Thành phố đang xây dựng thêm 35 công trình phục vụ việc dạy và học, tiếp tục miễn học phí đối với cấp mầm non và phổ thông.
Lễ đón học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Liên Chiểu) diễn ra trang trọng. Cô giáo Hà Ngọc Huyền (trong ảnh) chia sẻ, năm nay cô được nhà trường phân công phụ trách chủ nhiệm lớp 1/5 với 38 em. Ngay từ sáng sớm, nữ giáo viên và các đồng nghiệp đã có mặt tại đây để chuẩn bị các thủ tục.
Lễ khai giảng tại cụm trường xã Tà Mung, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, sáng 5/9.
Tại Trường Sa, sáng 5-9, các trường học trên huyện Trường Sa tưng bừng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025.
Trước ngày khai giảng, chính quyền, các đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ giáo viên, phụ huynh, học sinh trên các xã đảo và thị trấn Trường Sa đã tổ chức dọn vệ sinh, củng cố cảnh quan môi trường, chỉnh trang lớp học.
Trong không khí trang nghiêm, rực rỡ cờ hoa, với những bộ quần áo mới, niềm vui trên những khuôn mặt trẻ thơ, quân và dân trên đảo đã thể hiện sự quan tâm, động viên các giáo viên và học sinh khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thi đua “Dạy tốt- học tốt”.
Từ rất sớm, các bậc phụ huynh cùng học sinh đã có mặt tại các trường tiểu học ở thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn, và đảo Đá Tây để tham dự lễ khai giảng.
Trong lễ khai giảng, đại diện UBND và Trường Tiểu học Sinh Tồn tặng quà cho học sinh.
Thầy giáo Phan Quang Tuấn cùng các học trò bắt đầu buổi học đầu tiên sau lễ khai giảng trên đảo Trường Sa.
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục xác định chủ đề là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Đây là năm Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới.
Tư lệnh ngành giáo dục - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, đây là năm học “có rất nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn”. Một trong những nhiệm vụ được Bộ GD-ĐT lấy làm trọng tâm của năm học này là nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trong đó sẽ nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Việc phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên cũng được ngành giáo dục ưu tiên, trong đó tập trung tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ngành sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan.
Ở bậc mầm non, Bộ sẽ chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới.
>>Hơn 20 triệu học sinh cả nước chuẩn bị vào năm học mới với nhiều nhiệm vụ lớn
Hơn 20 triệu học sinh cả nước chuẩn bị vào năm học mới với nhiều nhiệm vụ lớn
Thời tiết dịp khai giảng: Miền Bắc và Trung Bộ nắng nóng, Nam Bộ có mưa