Bộ VHTTDL nói về việc du thuyền bắn pháo hoa sau khi tàu Vịnh Xanh bị lật
Ông Phạm Văn Thủy – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam – cho rằng, hành vi này không phù hợp với văn hóa ứng xử tại Việt Nam và khó có thể chấp nhận trong bối cảnh nhạy cảm như vậy.
Theo thông tin từ báo Công an Nhân dân, ngày 24/7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ. Tại đây, đại diện Bộ đã nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc đưa ra các hướng dẫn, khuyến cáo nhằm hạn chế các tai nạn đáng tiếc trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt sau vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra trên Vịnh Hạ Long.

Liên quan đến phản ánh việc một nhóm du khách nước ngoài trên tàu du lịch vẫn tổ chức bắn pháo hoa giải trí ngay sau thời điểm xảy ra tai nạn tàu Vịnh Xanh, ông Phạm Văn Thủy – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam – cho rằng, hành vi này không phù hợp với văn hóa ứng xử tại Việt Nam và khó có thể chấp nhận trong bối cảnh nhạy cảm như vậy.

Hoạt động bắn pháo hoa là do nhóm du khách tự tổ chức và sau đó đã lên tiếng xin lỗi. Họ giải thích rằng chưa kịp cập nhật thông tin về vụ tai nạn. Việc này cho thấy sự cần thiết phải tăng cường tuyên truyền tới các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành nhằm nâng cao ý thức ứng xử văn hóa, tránh những hành động vô tình gây tổn thương cho cộng đồng – nhất là với gia đình các nạn nhân.
Những ngày qua, vụ tai nạn lật tàu du lịch thương tâm khiến hàng chục người thương vong vẫn khiến dư luận bàng hoàng. Các cơ quan quản lý và các nhà hảo tâm đã gửi lời chia buồn, hỗ trợ tới các nạn nhân và gia đình.

Đáng chú ý, ngày 24/7, sau khi vấp phải làn sóng chỉ trích vì màn bắn pháo hoa, du thuyền Ambassador Hạ Long đã gửi lời xin lỗi chính thức và bày tỏ mong muốn được đỡ đầu cho các trẻ mồ côi trong vụ tai nạn.
Theo đó, đơn vị này cam kết hỗ trợ tài chính dài hạn cho trẻ dưới 18 tuổi. Cụ thể, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ sẽ nhận được 6.000.000 đồng/trẻ/tháng; Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ sẽ nhận được 3.000.000 đồng/trẻ/tháng.
Khoản hỗ trợ sẽ bắt đầu từ tháng 8/2025 và kéo dài cho đến khi các em đủ 18 tuổi. Số tiền này sẽ được chuyển khoản trực tiếp hàng tháng vào tài khoản của người giám hộ hợp pháp.
Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 18 đến 22. Những em mồ côi cả cha lẫn mẹ sẽ được hỗ trợ học phí đại học, cao đẳng hoặc học nghề, với mức 3.000.000 đồng/người/tháng, cho đến khi tốt nghiệp.
Đồng thời, các em sẽ được hướng nghiệp, đào tạo các nghiệp vụ trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng – phù hợp với định hướng kinh doanh của công ty – nếu có nguyện vọng. Sau đó, đơn vị cam kết tạo cơ hội việc làm hoặc thực tập có lương tại các cơ sở trực thuộc ở các địa phương như Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh… nếu các em có nguyện vọng.
Công ty cho biết đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh và Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh phối hợp, cung cấp thông tin các trường hợp đủ điều kiện để liên hệ trực tiếp với gia đình các em sau khi sức khỏe và tâm lý được ổn định.
“Chúng tôi hy vọng chương trình hỗ trợ nhỏ này sẽ phần nào giảm bớt khó khăn, tạo nền tảng cho tương lai các em nhỏ mồ côi, đồng thời thể hiện tinh thần chia sẻ và trách nhiệm với cộng đồng”, thông báo của đơn vị nêu rõ.
>>Tin mới vụ lật tàu ở Quảng Ninh: Một trường đại học nhận đỡ đầu học sinh mất 4 người thân
Bảo hiểm Manulife chi trả hơn 1,3 tỷ đồng cho khách hàng trong vụ lật tàu tại Hạ Long
Bảo hiểm bồi thường 1,3 tỷ đồng cho một nạn nhân vụ lật tàu ở Hạ Long