Hơn 92.000 người Nhật thọ trên 100 tuổi, lý do nhờ 1 bài thể dục 'quốc dân'
Bài tập này phổ biến đến nỗi hiếm có người dân Nhật nào sinh ra và lớn lên mà chưa từng tập cùng gia đình, người thân hay bạn bè.
Các dữ liệu được Bộ Y tế, Lao động và An sinh Xã hội Nhật Bản công bố ngày 15/9/2023 cho thấy, số người sống thọ trên 100 tuổi ở nước này ước tính ở mức kỷ lục 92.139 người, trong đó phụ nữ chiếm 88,5%. Trung bình cứ 100.000 người tại Nhật Bản thì có 73,74 người từ 100 tuổi trở lên.
Ngoài hệ thống y tế chất lượng cao, có lẽ câu chuyện về bài thể dục phát thanh Radio Taiso (hay còn gọi là Raijo Taiso) là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến người cao tuổi Nhật sống thọ và khỏe đến như vậy.
Hàng ngày, đài phát thanh NHK sẽ phát sóng chương trình hướng dẫn tập thể dục nhẹ nhàng trên nền nhạc piano thân thiện, tạo cảm giác thoải mái cho người nghe. Bài thể dục này bao gồm những động tác đơn giản nhằm cải thiện sức khỏe người dân. Thông thường bài thể dục có 3 phần tập dành cho người trẻ tuổi, cao tuổi hoặc tàn tật không thể đứng và cuối cùng là cho tất cả người dân và NHK thường phát loại thứ 3.
Một khảo sát mới đây cho thấy ít nhất 20% dân số Nhật Bản tập thể dục theo Radio Taiso như một hoạt động thường ngày. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến người cao tuổi Nhật gầy nhưng dẻo dai hơn các nước Phương Tây.
Theo Japan Times, Radio Taiso ra đời năm 1929, lấy ý tưởng từ quảng cáo của hãng bảo hiểm nhân thọ Metropolitan Life Insurance Co. (Mỹ). Thời điểm đó, người Nhật trung bình chỉ sống đến tuổi 40. Rất nhiều người tử vong vì lao và các bệnh truyền nhiễm, khiến việc kinh doanh bảo hiểm cũng bất ổn. Để tìm cách cải thiện sức khỏe quốc gia, hai nhân viên công ty bảo hiểm Kampo đã tới Mỹ tham quan rồi mang về ý tưởng của một bài thể dục bất cứ ai cũng tập được.
Radio Taiso chủ yếu được thực hiện trong không gian mang tính xã hội. Trường học, khuôn viên lao động và nhất là cả các gia đình - trong sự thoải mái tại nhà riêng, người dân Nhật sẽ thực hiện bài tập ngắn này để bắt đầu ngày mới. Mọi người ở Nhật Bản đều biết đến bài tập này, vì nó như một dạng thói quen mà mọi người tập luyện cùng nhau dưới hình thức cộng đồng.
Radio Taiso gồm hai phần, mỗi phần 13 động tác. Từng động tác có biến thể riêng dành cho người già hoặc người tàn tật không thể đứng dậy, tất cả đều dễ thực hiện nhằm mục đích tăng tuần hoàn máu và cải thiện sự linh hoạt. Đặc biệt, người ta có thể tập Radio Taiso ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, chỉ cần không gian đủ lớn và một cái radio hoặc tivi.
Radio Taiso thực sự hiệu quả trong việc thúc đẩy các hoạt động rèn luyện sức khỏe hàng ngày, đến mức mọi gia đình Nhật Bản đều ưa chuộng và sắp xếp thời gian để thực hiện. Đó là điều thú vị khi trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau. Đối với những người sinh ra và lớn lên cùng Radio Taiso, đây như một hành động quá đỗi bình thường, một phần không thể thiếu của cuộc sống, nhưng rõ ràng hành động nhỏ này cũng có thể dẫn đến một lối sống lành mạnh hơn rất nhiều.
Dẫu vậy, phong trào này cũng qua thời kỳ hoàng kim với sự xâm chiếm của văn hóa phương Tây và nhiều loại hình giải trí khác. Hiện nay chỉ một bộ phận người cao tuổi, sinh viên trẻ là còn tập Radio Taiso hàng ngày trong khi phần lớn chỉ tập theo mùa hoặc ngắt quãng. Tại một số vùng quê Nhật Bản, người ta vẫn thấy hình ảnh toàn dân làng tập thể dục theo Radio Taiso vào buổi sáng nhưng thói quen này đang dần mai một.
>> Hai loại gia vị giúp sống thọ người Việt vẫn ăn thường xuyên