Nhịp sống

Hơn nửa cuộc đời lưu giữ ‘kho báu’ người Mường của người phụ nữ Hà Nội

Hoàng Diệp 22/07/2024 20:01

"Cả thôn Đồng Dâu khi ấy chỉ có một gia đình giàu có sở hữu bộ chiêng cổ. Để được nghe tiếng chiêng, tôi xin vào nhà đó phụ trông trẻ. Cứ như thế, tôi đã thuộc lòng từng nốt nhạc lúc nào không hay"...

Giữa những biến đổi không ngừng của thời cuộc và sự thăng trầm của đất nước, cồng chiêng xứ Mường đã trải qua nhiều giai đoạn thịnh suy. Tuy nhiên, với trái tim nhiệt huyết và lòng đam mê mãnh liệt, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn (SN 1952) ở Thạch Thất, Hà Nội, đã dành hơn nửa cuộc đời để miệt mài bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật linh thiêng này. Bà Thìn không chỉ giữ gìn những âm thanh truyền thống mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, biến cồng chiêng trở thành biểu tượng sống động của văn hóa Mường.

Tiếng cồng bản Mường, âm vang rừng núi

Mãi còn đây nền văn hóa quê mình

Tiếng cồng bản Mường, trao nhau lời thương

Ta tìm nhau trong đêm hội cồng chiêng…

Giọng hát vừa lắng xuống, người nghệ nhân khéo léo cầm dùi gỗ nhẹ nhàng chạm gõ vào núm chiêng. Mặt chiêng bắt đầu rung lên từng hồi, âm thanh khẽ ngân nga và lan tỏa khắp nương ngô, nương lúa trước nhà, rồi len lỏi vào rừng cây, khuấy động cả làng trên xóm dưới.

Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn khéo léo chạm gõ bên dàn chiêng của mình (Video: Hoàng Diệp)

Mặc dù chỉ là một chuỗi âm thanh đơn giản trong cuộc sống bình dị hàng ngày, nhưng lại mang đến cảm giác như đang vọng về từ một nguồn mạch sâu xa nào đó, làm say lòng người và thắp lên niềm vui, sự ấm áp cho bản làng.

1 (900 x 600 px) (900 x 180 px) (1)

Một ngày cuối tháng 7, tôi tìm về vùng đất bán sơn địa tại huyện Thạch Thất cách Hà Nội 40km, để tìm hiểu về người lưu giữ "kho báu" của người Mường ở Thủ đô. Dừng chân tại ngôi nhà cấp 4 nhỏ nhắn bên sườn đồi thuộc thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội, tôi được đón tiếp bởi một phụ nữ đã ngoài 70 tuổi. Bà có dáng người nhỏ nhắn và khuôn mặt mộc mạc, in hằn dấu vết của cuộc sống vất vả nơi núi rừng. Người phụ nữ ấy không ai khác chính là nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn.

Trong ngôi nhà nhỏ, câu chuyện về hành trình bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của bà Thìn dần được hé mở, mang theo những âm vang của cồng chiêng và những giá trị văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ qua bao thế hệ.

Trong ngôi nhà nhỏ, câu chuyện về hành trình bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của bà Thìn dần được hé mở (Ảnh: Internet)

Trong ngôi nhà nhỏ, câu chuyện về hành trình bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của bà Thìn dần được hé mở (Ảnh: Internet)

Là một người con của núi rừng bên dãy Viên Nam hùng vĩ, nét văn hóa của dân tộc Mường đã in sâu vào tâm hồn của nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn. Bà kể rằng tiếng cồng chiêng như đã ngấm vào máu thịt mình, càng gắn bó với nó bà càng say mê những âm thanh của dân tộc. "Từ khi lên 8 tuổi, tôi đã phải đi làm thuê kiếm sống. Cả thôn Đồng Dâu khi ấy chỉ có một gia đình giàu có sở hữu bộ chiêng cổ. Để được nghe tiếng chiêng, tôi xin vào nhà đó phụ trông trẻ. Cứ như thế, tôi đã thuộc lòng từng nốt nhạc lúc nào không hay", bà Bích Thìn bồi hồi nhớ lại.

Năm 1974, bà Thìn trúng tuyển vào lớp đạo diễn sân khấu, trở thành sinh viên khóa đầu tiên của Trường Lý luận nghiệp vụ, trực thuộc Bộ Văn hóa (tiền thân của Trường Đại học Văn hóa ngày nay). Sau khi tốt nghiệp, bà Thìn đã làm việc ở nhiều nơi khác nhau, từ Sở Văn hóa tỉnh Hà Sơn Bình đến Phòng Văn hóa huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đến năm 1996, bà bắt đầu tham gia Ban Văn hóa xã Tiến Xuân.

Năm 2009, bà cùng một số chị em được mời tham gia đoàn biểu diễn của Thủ đô Hà Nội tại Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Việc được biểu diễn trên sân khấu lớn càng khiến bà thêm tự hào về văn hóa cồng chiêng đặc sắc của dân tộc Mường, bà nói.

Với sự hợp tác và nhiệt huyết của cộng đồng, tháng 10 năm 2014, Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng và Hát múa dân gian xã Tiến Xuân đã chính thức ra mắt, mang lại niềm vui và tự hào cho người dân địa phương. Lúc đó, bà Thìn được bầu làm chủ nhiệm CLB, chia thành ba đội ở các thôn Miễu 1-2, thôn Cố Đụng 1-2 và thôn Đồng Dâu.

Năm 2015, khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cùng phần thưởng 10 triệu đồng, bà Thìn đã quyết định đầu tư thêm tiền để mua một bộ chiêng mới, phục vụ cho việc truyền dạy cồng chiêng cho người dân.

Bộ chiêng được bà Thìn gìn giữ như

Bộ chiêng được bà Thìn gìn giữ như "báu vật" (Ảnh: Hoàng Diệp)

Bà Thìn chia sẻ với chúng tôi bằng giọng nói đầy tự hào: “Khi tiếng chiêng cất lên, nó như linh hồn của người Mường, sôi động, ấm cúng. Chính vì vậy mà bà con dân tộc Mường luôn nhắc nhở nhau rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn phải giữ gìn tiếng cồng chiêng thiêng liêng của dân tộc mình”.

1 (900 x 600 px) (900 x 180 px)

Trong khi cồng chiêng Tây Nguyên nổi tiếng là nét đặc trưng văn hóa nghệ thuật chung cho cả một vùng miền với hơn mười tộc người, thì cồng chiêng Mường ở Hà Nội lại đại diện cho nét văn hóa riêng của một tộc người duy nhất. Tuy nhiên, điều đó không làm cho cồng chiêng Mường trở nên đơn điệu hay nghèo nàn. Ngược lại, cồng chiêng Mường ở Hà Nội rất đa dạng, với nhiều kiểu kết hợp sáng tạo giữa múa và hát, tạo nên một bức tranh nghệ thuật phong phú và độc đáo, thu hút sự quan tâm và yêu thích từ nhiều người đam mê nghệ thuật.

Khác với Tây Nguyên, cồng chiêng của người Mường Thạch Thất có núm ở giữa (Ảnh: Hoàng Diệp)

Khác với Tây Nguyên, cồng chiêng của người Mường Thạch Thất có núm ở giữa (Ảnh: Hoàng Diệp)

Tuy nhiên, đã có những giai đoạn cồng chiêng Mường dần đi vào quên lãng, mai một. Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn chia sẻ: "Trước đây, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều hộ gia đình khó khăn ở đây đã phải bán cồng chiêng để mưu sinh. Sau khi hòa bình lập lại, số lượng cồng chiêng trong các bản Mường giảm đáng kể, trong khi đó, những người lớn tuổi biết chơi cồng chiêng dần qua đời và thế hệ trẻ lại ít quan tâm, khiến văn hóa cồng chiêng bị mai một. Hơn 10 năm trước, khi một số xã của huyện Lương Sơn sáp nhập vào thành phố Hà Nội, văn hóa cồng chiêng mới bắt đầu được khôi phục nhờ sự quan tâm của huyện Thạch Thất", bà Thìn nói.

Để khôi phục lại "hồn" chiêng xứ Mường, huyện Thạch Thất đã tổ chức các lớp dạy cách đánh cồng chiêng cho người dân địa phương. Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, với niềm đam mê mãnh liệt và tâm huyết với văn hóa Mường, là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Bà luôn trăn trở làm sao để truyền lại toàn bộ kiến thức và kỹ năng cồng chiêng của mình cho thế hệ sau. Nhờ nỗ lực của bà, đến nay, nhiều người Mường ở các vùng khác cũng đã tìm đến bà để mượn cồng chiêng học tập và biểu diễn.

Nghệ nhân ưu tú Bích Thìn luôn nỗ lực gìn giữ âm vang chiêng Mường (Ảnh: Hoàng Diệp)

Nghệ nhân ưu tú Bích Thìn luôn nỗ lực gìn giữ âm vang chiêng Mường (Ảnh: Hoàng Diệp)

Bằng giọng nói đầy tự hào, bà Thìn cho biết, CLB cồng Chiêng và hát múa dân gian Thạch Thất được thành lập từ 10 năm trước đến nay đã gặt hái được rất nhiều thành công. Điển hình là đã được TP. Hà Nội xếp hạng là CLB đặc biệt.

Ngoài ra, vừa qua CLB cũng đã hoàn thiện xong bộ hồ sơ để trình duyệt thành lập CLB cồng chiêng và hát múa dân gian người Mường xã Tiến Xuân Thạch Thất Hà Nội trên nền CLB cũ trước đó. Đồng thời dự kiến trong tháng 7 này hoặc tháng 8 tới, nghệ nhân sẽ trực tiếp truyền dạy cho 3 lớp của 3 xã Thạch Thất với đối tượng là thanh niên, học sinh.

Bà chia sẻ rằng việc đưa văn hóa cồng chiêng của người Mường vào chương trình học tại các xã là một tín hiệu vui, mang lại niềm tin mới cho các nghệ nhân trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc. Bà cảm thấy phấn khởi khi thấy rằng thế hệ trẻ đang được tiếp xúc và học hỏi về cồng chiêng, điều này không chỉ góp phần bảo tồn di sản mà còn truyền cảm hứng cho sự tiếp nối trong tương lai.

Nghệ nhân ưu tú Bích Thìn bên trang phục truyền thống của người Mường (Ảnh: Hoàng Diệp)

Nghệ nhân ưu tú Bích Thìn bên trang phục truyền thống của người Mường (Ảnh: Hoàng Diệp)

Có thể nói, cồng chiêng chính là chứng nhân sống động, đồng hành cùng người dân Tiến Xuân từ thời chiến cho đến thời bình, cùng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống hàng ngày.

Trở lại với nhịp sống hiện đại, tiếng cồng chiêng vẫn tiếp tục làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người Mường ở Tiến Xuân tin tưởng rằng vốn văn hóa độc đáo này sẽ được gìn giữ và phát huy rực rỡ nhờ vào sự cống hiến và tâm huyết của những nghệ nhân tài ba như bà Bùi Thị Bích Thìn. Bằng trái tim nhiệt huyết và sự tận tâm của mình, bà Thìn không chỉ là một nghệ nhân bảo tồn di sản mà còn góp phần giúp cho tiếng cồng chiêng tiếp tục vang vọng, tạo nên một nét đặc trưng trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.

>> Bật mí làng nghề làm rối nước lâu đời nhất ở miền Bắc

Ngôi làng cổ nép mình bên tả ngạn bờ sông Mã, là nơi phát hiện cụm mộ cổ 3 người chôn chung có niên đại lên tới 6.000 năm

Ngôi làng có hình bát quái được ví như 'Khải Hoàn Môn Paris' nằm ngay trong lòng thành phố du lịch của Việt Nam

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/hon-nua-cuoc-doi-luu-giu-kho-bau-nguoi-muong-cua-nguoi-phu-nu-ha-noi-d128286.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Hơn nửa cuộc đời lưu giữ ‘kho báu’ người Mường của người phụ nữ Hà Nội
POWERED BY ONECMS & INTECH