Theo nhiều doanh nghiệp, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện đang đẩy phần thiệt về doanh nghiệp.
Giám đốc Công ty Vận tải biển Bình Minh chia sẻ, hợp đồng vận chuyển hàng hóa giữa công ty vận tải biển (hàng rời) với khách hàng chuyên tuyến thường được ký theo quý (3 hoặc 6 tháng một lần).
Thế nhưng, thời gian này giá dầu tăng cao đột biến tới 30%, trong khi cước vận chuyển vẫn phải giữ theo giá thỏa thuận đã ký kết khiến các doanh nghiệp vận tải biển chỉ có lỗ chứ không mong hòa vốn.
Trong hoạt động vận tải logistics đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm lớn nhất, khoảng 35% - 40% chi phí vận hành các loại xe container, xe tải nặng. Cùng với đó mỗi đầu xe còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như bến bãi, phí bảo trì đường bộ, BOT…
Chủ một doanh nghiệp vận tải container tại Hải Phòng xác nhận thực tại trên và cho biết, ngay từ đầu năm doanh nghiệp này đã ký hợp đồng với khách hàng kèm cam kết không thay đổi giá cước trong cả năm. Do đó, doanh nghiệp đang trong tình cảnh rất khó khăn vì phải gồng mình lo chi phí xăng dầu tăng theo ngày.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên xe container tại Hải Phòng cho hay, nếu giá xăng dầu cao như hiện tại, doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng cước để bù chi phí.
Theo nhiều doanh nghiệp, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện đang đẩy phần thiệt về doanh nghiệp, do hợp đồng vận tải thường ký theo tháng, quý, thậm chí theo năm, nhưng giá xăng dầu lại được điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Điều này làm doanh nghiệp vận tải mất chủ động về cân đối chi phí kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải đường bộ có lượng tiêu thụ xăng dầu càng lớn thì càng lỗ nặng. Đặc biệt, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực vận tải logistics, giá xăng dầu tăng cao liên tục trong thời gian qua đã gây thiệt hại nặng đến doanh thu.
Theo quy luật kinh doanh, cước vận tải cao sẽ kéo dài và tác động kéo giá hàng hóa tiêu dùng toàn xã hội được định vị ở mức cao tương ứng. Nhiên liệu tăng giá đang trở thành nền tảng then chốt kiến tạo mặt bằng giá mới với mọi loại chi phí, hàng hóa trong xã hội theo cách ấy.
Tuy nhiên, việc hợp đồng được ký kết trước với những thỏa thuận kèm theo liên quan đến cước vận chuyển đang không theo kịp với giá tăng xăng dầu khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực này gặp lực cản lớn đối với quá trình vận hành hồi phục kinh tế.
Trường hợp giá nhiên liệu vẫn tiếp tục “leo thang”, việc nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là điều hoàn toàn có thể xảy ra.