Tiềm năng hợp tác Việt – Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn vô cùng lớn và có nhiều ý nghĩa đối với quan hệ hai nước trong thời kỳ mới.
Quan hệ hợp tác Việt-Mỹ được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã tạo ra kỳ vọng và xung lực cho sự phát triển đột phá trong quan hệ song phương thời gian tới, đặc biệt là lĩnh vực hợp tác công nghệ. Những kết quả hợp tác trong lĩnh vực công nghệ số giữa Việt Nam - Hoa Kỳ sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang được cả 2 bên đặt nhiều kỳ vọng. VietNamNet giới thiệu các bài viết về chủ đề này.
Bài 1: Kỳ vọng của các ‘đại gia công nghệ’ Mỹ khi đầu tư vào Việt Nam
Cơ hội mới phát triển công nghiệp bán dẫn
Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Mỹ tập trung hợp tác một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, trong đó có công nghiệp bán dẫn.
Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn. Tại các cuộc làm việc, nhiều doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ đánh giá rất cao tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ về các cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam, đề xuất những phương thức hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ nhằm phát triển thành công hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Về lâu dài, các doanh nghiệp, tập đoàn Mỹ có thể nghiên cứu khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ tiếp tục hợp tác, đầu tư sâu hơn, rộng hơn, nhiều hơn tại Việt Nam. Qua đó, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam và từng bước đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu trong nhiều khâu từ thiết kế, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử, sản xuất…
Thủ tướng cho biết, Chính phủ và các bộ ngành sẽ tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, hoạt động ngày càng thuận lợi, ổn định, hiệu quả, bền vững tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ.
Trong chuyến thăm tại thung lũng Silicon, Thủ tướng chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa Bộ TT&TT với Synopsys để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, lập Viện nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam.
Tai cuộc làm việc với Synopsys, Thủ tướng mong muốn công ty tiếp tục mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng tại Việt Nam và kỳ vọng Synopsys có giải pháp công nghệ, tài chính để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, góp phần đào tạo nguồn nhân lực về chip nói riêng và ngành công nghệ chất lượng cao nói chung cho Việt Nam.
Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ TT&TT và các lãnh đạo của đoàn Việt Nam đã chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) và Synopsys hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam.
Theo đó, Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông lập kế hoạch thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn. Sự hợp tác này mục đích xây dựng dự thảo chiến lược nhằm thành lập Trung tâm chế tạo và mô phỏng R&D cao cấp, nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp về thiết kế vi mạch tiên tiến và hỗ trợ năng lực sản xuất chế tạo R&D tại Việt Nam.
Cũng tại đây, Thủ tướng và các đại biểu chứng kiến Lễ công bố hợp tác với Trung tâm Đổi mới Quốc gia, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một Trung tâm ươm tạo thiết kế chip.
Doanh nghiệp Việt tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu
Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, FPT Semiconductor đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược với Silvaco. Theo biên bản hợp tác mới ký kết, FPT Semiconductor và Silvaco cam kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn cho các công ty bán dẫn ở Mỹ.
Cụ thể, Silvaco, FPT Semiconductor, Đại học FPT cam kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho các công ty bán dẫn tại Mỹ. Các bên đồng thời hợp tác thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực theo chương trình của Chính phủ.
Bên cạnh đó, FPT cung cấp IP (Intellectual Property) trên nền tảng của Silvaco để doanh nghiệp này cung cấp cho khách hàng. Silvaco và FPT cũng hợp tác phát triển kinh doanh trong lĩnh vực StandardCell, IO, Memory design. Về lâu dài, Silvaco sẽ trở thành nhà đầu tư chiến lược của FPT Semiconductor.
FPT Semiconductor cũng là đại diện và nhà phân phối độc quyền phần mềm của Silvaco trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam. Được thành lập năm 1984, Silvaco là doanh nghiệp phần mềm công nghệ, tự động hóa và bán dẫn. Công ty có trụ sở tại Santa Clara, California và có văn phòng tại Bắc Mỹ, châu Âu và khắp châu Á.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, đây là một bước tiến tiếp theo để triển khai các hoạt động hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ với các đối tác Việt Nam nhằm mang đến những cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao năng lực của Việt Nam trong ngành công nghiệp này.
Trước đó, ngày 11/9, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình công bố chiến lược đầu tư vào Mỹ, phát triển nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
FPT cũng công bố hợp tác chiến lược toàn diện với LandingAI - Công ty tiên phong trong lĩnh vực thị giác máy và trí tuệ nhân tạo tại Silicon Valley (Mỹ) nhằm đẩy nhanh quá trình đưa AI vào đào tạo tại hệ thống giáo dục FPT Education.
FPT là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất chip thương mại, tập trung thiết kế theo đơn đặt hàng của khách hàng về chip nguồn. Hiện FPT đang chú trọng mở rộng mảng bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đầu tư vào thị trường Mỹ
Tại “Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ về Hợp tác trong Lĩnh vực Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo” ngày 18/9, trong sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, công ty công nghệ của Việt Nam là Rikkeisoft đã công bố khoản đầu tư hơn 30 triệu USD cho tới năm 2026 vào thị trường Mỹ để tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, mở rộng thị trường và các hoạt động mua bán sáp nhập.
Đại diện Rikkeisoft tại Mỹ cho biết mức đầu tư 10-30 triệu USD trong 3 năm tới sẽ được tập trung cho việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, mở rộng thị trường và các hoạt động M&A. Cụ thể, mức đầu tư trong năm 2023 là 2 triệu USD và sẽ tăng đến 30 triệu USD tới năm 2026.
Khoản đầu tư này kỳ vọng sẽ tạo ra hàng trăm việc làm trong mảng công nghệ cho thị trường Mỹ, giúp Rikkeisoft trở thành công ty công nghệ trị giá tỷ USD trong 5 năm tới.
RKTech, công ty con của Rikkeisoft tại thị trường Mỹ, được thành lập vào đầu năm 2023 tại thành phố Dallas - bang Texas, với mục tiêu cung cấp giải pháp và dịch vụ công nghệ toàn diện chất lượng cao cho khách hàng Mỹ. Tới nay, RKTech đã đạt được những thành công bước đầu trong việc mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Mỹ với đối tác trong mảng sản xuất và mảng chế tạo ô tô.
Ông Bùi Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch cấp cao Rikkeisoft cho rằng, nguồn nhân lực công nghệ dồi dào từ Việt Nam có trình độ cao và chi phí hợp lý giúp chúng tôi tự tin cung cấp các dịch vụ với giá trị gia tăng cho khách hàng Mỹ. Mục tiêu của Rikkeisoft không đơn thuần là IPO tại Mỹ vào năm 2028 mà muốn trở thành một phần trong bức tranh công nghệ của Mỹ bằng việc mang tới giải pháp bền vững cho nguồn cung nhân tài.
Chủ tịch Rikkeisoft Tạ Sơn Tùng chia sẻ, thị trường Mỹ là sự đầu tư chiến lược của Rikkeisoft. “Công ty đặt mục tiêu trở thành công ty dịch vụ công nghệ toàn cầu với vốn hoá thị trường đạt 1 tỷ USD. Vì vậy, thị trường lớn như Mỹ mới có thể giúp Rikkeisoft đạt được mục tiêu này”, ông nói.
Chia sẻ với VietNamNet về chiến lược đi ra nước ngoài, Chủ tịch Rikkeisoft Tạ Sơn Tùng cho biết: “Chúng tôi đang thành công ở thị trường Nhật, nhưng Rikkeisoft muốn tiến quân sang thị trường Mỹ bởi đơn giản đây là thị trường lớn nhất. Chúng ta nhìn thấy các tập đoàn thuộc top 500 hầu hết đều nằm ở Mỹ. Vì vậy, việc cắm cờ ở Mỹ là việc quan trọng nhưng cũng đầy thách thức với bất kỳ công ty nào”, ông Tạ Sơn Tùng chia sẻ.