Vĩ mô

Hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán

Anh Minh 16/04/2024 - 17:49

Nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) là vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Nâng hạng TTCK cũng đặt ra các yêu cầu đối với việc thay đổi các chính sách, quy định pháp luật có liên quan.

Hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán- Ảnh 1.
Lãnh đạo UBCKNN chủ trì hội thảo - Ảnh: VGP

Bước ngoặt cần có trong giai đoạn phát triển mới

Đây là ý kiến của TS Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) tại Hội thảo khoa học "Giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam" do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp WB và Đại sứ quán Australia tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội.

TS Nguyễn Như Quỳnh khẳng định: TTCK là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt hơn 418 nghìn tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.

"Việc nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ là bước ngoặt quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường, góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước", TS Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Như Quỳnh cho biết thêm, nâng hạng TTCK luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao. Theo Quyết định 1726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập, với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Trong đó, có mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Mục tiêu nâng hạng TTCK cũng được đề cập tại các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững và tại các Nghị quyết điều hành của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả.

"Nâng hạng TTCK là vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, đồng thời việc nâng hạng TTCK cũng đặt ra các yêu cầu đối với việc thay đổi các chính sách, quy định pháp luật có liên quan" , TS Nguyễn Như Quỳnh nói.

Phát biểu tại hội thảo, ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng nhận định: Việc nâng hạng sẽ đẩy mạnh vị thế thị trường của Việt Nam, đảm bảo tiếp cận vốn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Thế giới ước tính, Việt Nam nếu nâng hạng TTCK sẽ thu hút được 25 tỷ USD vào năm 2030.

Còn ông Ketut Kusuma - đại diện WB cho rằng, TTCK Việt Nam có tiềm năng to lớn, tuy nhiên vẫn còn để ngỏ cơ hội phát triển thành nguồn cung vốn quan trọng. Các tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam là thị trường cận biên từ tháng 9/2018, nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng TTCK.

"Việc nâng hạng giúp đẩy mạnh vị thế thị trường của Việt Nam, bảo đảm tiếp cận vốn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài, với quy mô chứng khoán đầy đủ", ông Ketut Kusuma nhận định.

Bà Arabella Bennett - Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù còn gặp thách thức nhưng Việt Nam đã đạt được kết quả trong nỗ lực hướng đến mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi. Việt Nam cũng đã được đưa vào danh sách theo dõi để nâng hạng TTCK Việt Nam của FTSE Russell.

Hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán- Ảnh 2.
TS Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) - Ảnh: VGP

Thu hút thêm dòng vốn ngoại, phát triển bền vững

Trong tham luận của mình, ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN phân tích: Việc nâng hạng TTCK sẽ là tín hiệu rõ ràng, cho thấy Việt Nam đã tiến bước dài hơn trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh không chỉ của riêng TTCK Việt Nam mà còn của cả nền kinh tế đối với cộng đồng quốc tế.

Theo báo cáo đánh giá của WB, việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho TTCK Việt Nam như: Thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD vào Việt Nam 1 năm. Dòng vốn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) lớn trên thế giới.

Nâng hạng sẽ giúp cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, theo đó giá cổ phiếu trên thị trường sẽ được nhiều NĐTNN chuyên nghiệp tham gia đánh giá, thể hiện đúng nhu cầu thực tế và đánh giá đúng tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp (DN). Việc cải thiện định giá này sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình cổ phần hoá, giúp cho việc thoái vốn của DN nhà nước (DNNN) có thể thu được nguồn thu cao hơn cho Ngân sách Nhà nước.

Nâng hạng sẽ giúp gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn trên thị trường (hiện nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đang chiếm hơn 90% trên thị trường), tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư, giảm thiểu các biến động mạnh của thị trường do bị tác động tâm lý của số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, việc nâng hạng cải thiện tích cực thanh khoản của TTCK và chất lượng thị trường theo hướng tiếp cận tốt hơn các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của DN, quản trị công ty. TTCK không chỉ gia tăng số lượng mà chất lượng của nhà đầu tư cũng sẽ được nâng cao với sự tham gia của các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư quốc tế lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn. Đi kèm theo đó là nội tại các DN và tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước chịu áp lực buộc phải nâng cao chất lượng DN để đáp ứng yêu cầu của NĐTNN theo chuẩn mực quốc tế. Sự tham gia của NĐTNN mang lại lợi ích từ việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chiến lược đầu tư và công nghệ mới. Điều này có thể giúp DN trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với môi trường kinh doanh quốc tế...

Bên cạnh thuận lợi, thách thức lớn nhất là đảm bảo đảm bảo TTCK tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, duy trì xếp hạng, tránh bị hạ cấp xếp hạng. Thách thức này đến từ việc các TTCK không còn đáp ứng yêu cầu duy trì trạng thái hiện tại hoặc khi TTCK không đáp ứng được sự thay đổi tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng...

Do đó, để một TTCK phát triển bền vững, đó phải là một TTCK thực sự "khỏe mạnh", minh bạch, đảm bảo công bằng cho tất cả nhà đầu tư tham gia trên thị trường. Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát TTCK, UBCKNN đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực đưa ra những giải pháp phù hợp đáp ứng được các tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng, bảo đảm sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường.

Đại diện Ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và chính sách tài chính đã nêu một số khuyến nghị để nâng hạng và phát triển TTCK bền vững.

Thứ nhất, trong dài hạn, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố nền tài chính quốc gia là yếu tố then chốt để duy trì và thu hút dòng vốn đầu tư mới. Với môi trường kinh doanh ổn định, kiểm soát cung tiền chặt chẽ, áp lực lạm phát thấp sẽ tạo sự cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút dòng vốn nước ngoài. Trong bối cảnh quốc tế còn nhiếu bất ổn và diễn biến khó lường, Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong kiểm soát về giá cả, duy trì ổn định vĩ mô và thận trọng trong nới lỏng tiền tệ để hạn chế tác động từ cú sốc tài chính bên ngoài...

Thứ hai, phát triển TTCK lành mạnh, tập trung củng cố cơ sở hạ tầng, khung khổ pháp lý đối với TTCK, bảo đảm xây dựng TTCK đáp ứng các nguyên tắc về hạ tầng tài chính tốt theo thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm hoạt động lành mạnh trên nền tảng pháp luật vững chắc, quản trị minh bạch, sớm phát hiện và chống đỡ được rủi ro thanh khoản, hoạt động và các loại rủi ro khác trên thị trường. Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của các trung gian chứng khoán...

Thứ ba, cần thường xuyên theo dõi, đánh giá nguy cơ tăng trưởng nóng, và nguy cơ đảo chiều dòng vốn trên TTCK để có các kịch bản ứng phó kịp thời.

Thứ tư, nâng cao khả năng chống chịu của TTCK trước các cú sốc bên ngoài: Bài học từ một số quốc gia châu Á như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan… cho thấy, để nâng cao khả năng chống chịu của TTCK Việt Nam, định hướng chung là cần phát triển TTCK theo chiều sâu, tăng năng lực chống chịu với các cú sốc bên ngoài... Nâng cao hiệu quả công tác giám sát với ba nội dung trọng yếu: giám sát rủi ro hệ thống, tăng cường phối hợp giữa cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan giám sát; phối hợp, đồng bộ hóa giám sát cẩn trọng vĩ mô và giám sát cẩn trọng vi mô.

Thứ năm, cải thiện hạ tầng cho thị trường, áp dụng hệ thống thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho các giao dịch cổ phiếu, giao dịch trong ngày (T+O); ứng dụng CNTT trong quản lý và giao dịch chứng khoán, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, dịch vụ công.

"Ngoài ra, cần thường xuyên đưa ra các cảnh báo thận trọng với nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay, nhằm hạn chế những rủi ro từ việc đầu tư theo phong trào, theo hiệu ứng tâm lý mà chưa có hiểu biết, kiến thức đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân, mới gia nhập thị trường. Nhóm đầu tư này thường là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra hiện tượng giá tăng vượt xa giá trị nội tại của các khủng hoảng bong bóng tài sản...", đại diện Viện Chiến lược tài chính nhấn mạnh.

Chứng khoán rút chân - chứng sĩ mất hàng: Kịch bản 8 tháng trước có lặp lại?

Quốc gia châu Á tỏa sáng: Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ tăng gấp 10 lần, cơ hội ở khắp mọi nơi

Giá vàng và thị trường chứng khoán biến động, chuyên gia khuyên đầu tư vào lĩnh vực không ngờ tới

Thị trường chứng khoán biến động ra sao trong các tháng 4?

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/huong-toi-muc-tieu-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-102240416151533048.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán
POWERED BY ONECMS & INTECH