Ì ạch giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều địa phương

13-12-2021 17:45|Quang Bình

“Địa phương phải rất lưu ý để tập trung, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian còn lại của năm”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.

Tổ công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng vừa công bố Báo cáo đầu tư công tại 6 tỉnh gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Theo đó, số vốn giải ngân đến hết ngày 30/11/2021 của 6 địa phương nói trên là 18.288,782 tỷ đồng - đạt 67,74% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm đồng thời cao hơn bình quân cả nước (63,86%).

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện giải ngân đầu tư công, các địa phương đều gặp phải khó khăn chung do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tác động lớn đến các hoạt động của dự án, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài…

Được biết, trong số 6 địa phương, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất đạt 70,11%, còn 2 địa phương dưới 60%.

“Thực tế đó cho thấy, nguyên nhân chính là do tổ chức chỉ đạo, điều hành của mỗi địa phương”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thủ tục điều chuyển hiện đã đơn giản hơn, hoàn toàn thuộc thẩm quyền địa phương nhưng nhiều địa phương vẫn không thực hiện kịp thời. Hay việc chuẩn bị dự án, tổ chức giải phóng mặt bằng, có địa phương làm rất tốt, nhưng cũng có địa phương chuẩn bị dự án sơ sài, đến khi thực hiện gặp nhiều vướng mắc hay giao vốn từ đầu năm nhưng đến cuối năm vẫn không thể giải ngân vì tắc giải phóng mặt bằng…

Vì vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, các địa phương phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của từng vướng mắc, chỉ rõ vì sao vướng thì mới tháo gỡ được.

Về vấn đề kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn kế hoạch năm 2021 sang năm 2022; điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021, ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định hướng dẫn thì giải ngân chỉ trong một năm, việc kéo dài vốn chỉ xem xét với từng dự án và chỉ trong trường hợp bất khả kháng.

Việc kéo dài vốn kế hoạch năm 2021 sang năm 2022 hay trả lại vốn ODA năm 2021 để bố trí lại sau như kiến nghị của các địa phương là rất khó. Theo quy định, hết niên độ kế hoạch năm 2021 mà không giải ngân hết thì sẽ bị thu hồi và trừ luôn ở kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, không được bố trí lại.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, việc dự án không giải ngân hết dẫn đến bị thu hồi vốn là rất đáng tiếc và gây nhiều hệ lụy mà địa phương phải giải quyết. Trong trường hợp bị thu hồi vốn về, để dự án không bị dở dang, địa phương sẽ phải dùng dự toán năm 2022 của dự án khác để bố trí hoặc phải cắt giảm dự án khởi công mới khác.

“Địa phương phải rất lưu ý để tập trung, quyết liệt giải ngân trong thời gian còn lại của năm”, Thứ trưởng lưu ý.

Cũng liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương, mới đây ngày 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Tổ công tác số 4 về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đã làm việc với lãnh đạo 3 địa phương là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), số vốn giải ngân kế hoạch năm 2021 của 3 địa phương tính đến ngày 30/11 đạt khoảng 29.511,352 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 56,5% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm 2021 (thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 63,85%). Các địa phương dự kiến đến hết ngày 31/1/2022 sẽ giải ngân đạt 98,91% kế hoạch năm 2021, cả 3 địa phương dự kiến giải ngân trên 90% kế hoạch năm.

Trước thực trạng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, các địa phương kiến nghị cho kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Trung ương đã được giao kế hoạch năm 2021 sang năm 2022, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài, ODA năm 2021; đề nghị cho phép các ban quản lý dự án, hoặc đơn vị có đủ năng lực được lập, trình chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của HĐND cấp tỉnh; tiếp tục hoàn thiện chính sách giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ dự án…

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác số 4 cho rằng, các địa phương cần khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành chuyên môn, nỗ lực cao nhất trong giải ngân vốn đầu tư công theo các mốc thời gian cụ thể.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT hoàn thiện báo cáo về tiến độ giải ngân của Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội trong đó phân định rõ phần vốn đầu tư công của các dự án chuyển tiếp từ năm 2020 sang năm 2021; các dự án mới được phân bổ vốn…

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khẩn trương ưu tiên nguồn lực, nỗ lực hết mình để thực hiện các hành động đã cam kết với FATF

Sắp xếp bộ máy Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư: Sẽ giảm 22 đầu mối

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/i-ach-giai-ngan-von-dau-tu-cong-tai-nhieu-dia-phuong-120689.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ì ạch giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều địa phương
    POWERED BY ONECMS & INTECH