IMF cho rằng, kinh tế toàn cầu bước vào năm 2022 với vị thế yếu hơn dự kiến trước đó khi sự xuất hiện của Omicron có thể kéo lùi quá trình phục hồi.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu được công bố ngày 25/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, biến thể Omicron đang là một trở ngại lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại trong năm nay, đặc biệt ở hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.
Theo đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 4,4% so với mức tăng trưởng 5,9% trong năm 2021.
IMF cho rằng kinh tế toàn cầu bước vào năm 2022 với vị thế yếu hơn dự kiến trước đó, khi sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11 đe dọa làm thụt lùi quá trình phục hồi còn chưa vững chắc. Trong khi đó, giá năng lượng tăng cùng với những gián đoạn nguồn cung đã khiến lạm phát mạnh và ở nhiều nước hơn so với dự báo.
Triển vọng đi xuống chủ yếu do sự sụt giảm tăng trưởng ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 4% trong năm 2021, giảm 1,2 điểm % so với dự báo trước, sau khi tăng 5,6% trong năm 2021. Việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ đẩy nhanh rút lại các gói kích thích kinh tế trong bối cảnh sự gián đoạn của chuỗi cung ứng đè nặng lên nền kinh tế là lý do cho quyết định cắt giảm dự báo từ IMF.
Trong khi đó, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,8% trong năm nay, giảm 0,8 điểm % do sự gián đoạn của nền kinh tế xuất phát từ chính sách "zero COVID" cũng như những căng thẳng tài chính từ thị trường bất động sản.
IMF một lần nữa nhấn mạnh, việc kiểm soát đại dịch là yếu tố quyết định đối với triển vọng kinh tế và hối thúc việc tiêm chủng vacccine ngừa COVID-19 tại các quốc gia đang phát triển, khi các nền kinh tế phát triển đang triển khai tiêm mũi tăng cường cho người dân.
Điều 'chưa từng có tiền lệ' trong chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng
Tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,5%: Nỗ lực điều hành của NHNN giữa thách thức kinh tế