Vàng trong nước tăng vọt, giá thế giới lên cao nhất từ giữa tháng 6
Giá vàng sáng 22/7 tăng vọt, vàng miếng vượt 121 triệu đồng/lượng, theo đà tăng mạnh của thị trường thế giới khi USD suy yếu, lợi suất giảm.
Giá vàng trong nước sáng nay (22/7) bật tăng mạnh ở cả vàng miếng và vàng nhẫn, theo đà tăng mạnh của thị trường thế giới khi đồng USD suy yếu, lợi suất trái phiếu giảm và căng thẳng thương mại leo thang.
Tại hệ thống PNJ, giá vàng nhẫn được điều chỉnh tăng tới 1,3 triệu đồng, lên mức 116–119 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Công ty SJC tăng 800.000 đồng, đưa giá vàng nhẫn lên 115–117,5 triệu đồng/lượng. DOJI cũng nâng giá vàng nhẫn thêm 500.000 đồng mỗi chiều, giao dịch ở mức 109,3–110,1 triệu đồng/lượng.
Với vàng miếng, các doanh nghiệp lớn như SJC, PNJ và DOJI đều tăng thêm 300.000 đồng ở chiều mua và 800.000 đồng ở chiều bán, dao động trong khoảng 120–121,5 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng (TP.HCM), giá mua vàng miếng sáng nay được niêm yết ở mức 120,8 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng so với hôm qua. Giá bán ra giữ nguyên ở 121,5 triệu đồng. Giá vàng nhẫn tại Mi Hồng cũng tăng 500.000 đồng, lên mức 116–117,5 triệu đồng/lượng.
![]() |
Giá vàng sáng 22/7 tăng vọt, vàng miếng vượt 121 triệu đồng/lượng, theo đà tăng mạnh của thị trường thế giới khi USD suy yếu, lợi suất giảm. |
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay hiện đạt 3.390 USD/ounce, tăng 36 USD so với cùng thời điểm ngày hôm qua – mức cao nhất kể từ giữa tháng 6. Hợp đồng vàng kỳ hạn giao gần nhất tăng 1,5%, đóng cửa ở mức 3.401,90 USD/ounce.
Đà tăng của vàng được hỗ trợ bởi sự suy yếu rõ rệt của đồng USD và đà giảm của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Chỉ số ICE Dollar Index giảm 0,62 điểm xuống 97,86 điểm – mức thấp nhất trong nhiều tuần, giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn khi định giá bằng USD.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm 2,6 điểm cơ bản, xuống 3,854%, trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 5,7 điểm cơ bản, về 4,366%. Sự sụt giảm lợi suất khiến chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng – tài sản không sinh lãi – trở nên thấp hơn, từ đó kích thích nhu cầu đầu tư.
Ngoài các yếu tố tài chính, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu tiếp tục leo thang. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick mới đây tuyên bố hạn chót đàm phán với EU là ngày 1/8, đồng thời khẳng định mức thuế 10% sẽ được duy trì trong suốt quá trình đàm phán.
Tuyên bố cứng rắn này được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump chính thức gửi thông báo áp thuế tới các đối tác chủ chốt nếu không đạt được thỏa thuận. EU hiện đã lên kế hoạch đối phó, trong bối cảnh triển vọng đạt được giải pháp hài hòa ngày càng mờ nhạt.
Cùng lúc, thị trường đang định giá khoảng 60% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, do các tín hiệu về thay đổi nhân sự cấp cao và cải tổ thể chế tại Fed. Kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ này càng gia tăng áp lực lên USD và hỗ trợ thêm cho giá vàng.
Giữa bối cảnh bất ổn thương mại, biến động tỷ giá và kỳ vọng chính sách tiền tệ thiếu rõ ràng, vàng một lần nữa khẳng định vai trò là tài sản trú ẩn an toàn. Với nhiều yếu tố hỗ trợ đồng thời, kim loại quý này có thể tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong ngắn hạn nếu các biến số vĩ mô không được giải tỏa.
>> 4 yếu tố có thể đưa giá vàng lên 3.500 USD/ounce trong tháng 7