Kênh đào đầu tiên và dài nhất lịch sử Việt Nam: Dài gần 500km, hơn 800 năm mới hoàn thành, được ví như 'đường mòn Hồ Chí Minh trên sông'
Ngày nay, dù không còn giữ được hình dáng hoàn chỉnh như ban đầu nhưng nhiều địa phương vẫn còn dấu tích của con kênh lịch sử năm nào.
Kênh nhà Lê là một trong những công trình thủy lợi quan trọng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, được khởi công từ thời vua Lê Đại Hành và hoàn thiện dưới triều vua Lê Lợi. Con kênh này kéo dài từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh, đóng vai trò quan trọng trong giao thông đường thủy, thủy lợi và quân sự qua nhiều triều đại.
![Kênh đào đầu tiên và dài nhất lịch sử Việt Nam: Dài gần 500km, hơn 800 năm mới hoàn thành, được ví như 'đường mòn Hồ Chí Minh trên sông' - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/11/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_11-_kenh_nha_le_do_vao_song_thai_iaah.png)
Theo sử sách ghi chép, chỉ trong chưa đầy 3 năm sau khi lên ngôi, vua Lê Đại Hành đã dẹp yên các cuộc nổi loạn trong nước, đồng thời lập nên những chiến công vang dội khi đánh bại quân Tống (năm 981) và bình định Chiêm Thành (năm 982). Trong chiến dịch Nam tiến để bảo vệ và mở rộng bờ cõi, ông cho đào tuyến kênh thủy nội địa đầu tiên, sau này được gọi là kênh nhà Lê.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại:
"Năm Quý Mùi (Thiên Phúc năm thứ 4 - 983), khi vua đi đánh Chiêm Thành, qua núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to. Vua bèn sai người đào kênh. Khi kênh hoàn thành, thuyền bè đi lại đều thuận tiện".
Nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, trong cuốn Kênh nhà Lê - Lịch sử và huyền thoại (NXB Thời Đại, 2010), dẫn lại tài liệu của Đại Việt sử ký toàn thư và cho biết, kênh nhà Lê được đào xuyên qua Thanh Hóa và Nghệ An, tạo ra tuyến đường thủy quan trọng.
Đến năm 1003, vua Lê Đại Hành tiếp tục cho mở rộng và nạo vét kênh Đa Cái ở phía Nam Nghệ An. Việc này giúp kết nối hệ thống kênh đào với các con sông tự nhiên, hình thành mạng lưới đường thủy thông suốt từ Thanh Hóa đến sông Lam. Nhờ đó, thuyền bè từ các cảng lớn như Cửa Cờn, Cửa Quèn, Cửa Thơi, Cửa Vạn, Cửa Lò và Cửa Hội có thể dễ dàng lưu thông đến Thanh Hóa và Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình).
![Kênh đào đầu tiên và dài nhất lịch sử Việt Nam: Dài gần 500km, hơn 800 năm mới hoàn thành, được ví như 'đường mòn Hồ Chí Minh trên sông' - ảnh 2](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/11/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_11-_dong_muoi_quynh_thuan_va_kenh_nha_le_givu.png)
Trong quá trình hình thành kênh nhà Lê, đoạn kênh Sắt được xem là thử thách lớn nhất, kéo dài hơn 800 năm để hoàn thành.
Theo nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, kênh Sắt chảy qua Truông Sắt thuộc xã Diễn An (huyện Diễn Châu) và xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Việc đào kênh khởi nguồn từ năm 1003 dưới sự chỉ đạo của vua Lê Hoàn. Tuy nhiên, địa hình núi non hiểm trở cùng các mỏ sắt và đá rắn dưới lòng đất khiến công trình gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều triều đại sau đó cũng không thể hoàn thành đoạn kênh này.
Tận đến đầu triều Nguyễn, đoạn kênh Sắt vẫn chưa được khai thông. Đặc biệt, dưới thời vua Tự Đức, những khó khăn khi đào kênh được ghi lại qua bài vè "Đi phu đào kênh Sắt", phản ánh sự gian nan của người dân.
Năm 1866, Tổng đốc Nghệ An Hoàng Tá Viêm đã mời nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ tham gia khảo sát. Dù đang điều trị bệnh tại nhà thờ Xã Đoài (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc), Nguyễn Trường Tộ vẫn nhận lời, di chuyển hơn 10km để trực tiếp chỉ đạo. Với kiến thức sâu rộng về khoa học và địa chất, ông xác định hướng đào tối ưu, tránh các vùng đá cứng. Nhờ đó, chỉ sau một tháng thi công theo hướng dẫn của Nguyễn Trường Tộ, kênh Sắt chính thức được khai thông.
![Kênh đào đầu tiên và dài nhất lịch sử Việt Nam: Dài gần 500km, hơn 800 năm mới hoàn thành, được ví như 'đường mòn Hồ Chí Minh trên sông' - ảnh 3](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/11/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_11-_kenh-nha-le-3-1733_ebty.jpg)
Kênh nhà Lê dài gần 500km, kết nối các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, là con kênh đào dài nhất Việt Nam cả về chiều dài địa lý lẫn lịch sử hình thành.
Không chỉ là tuyến giao thông thủy phục vụ quân sự và hành chính, kênh còn có vai trò quan trọng trong thủy lợi và phát triển kinh tế. Nhờ sự hình thành của kênh, nhiều vùng đất màu mỡ, làng mạc trù phú đã được tạo lập, góp phần phát triển đời sống của người dân.
Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, kênh nhà Lê được ví như “đường mòn Hồ Chí Minh trên sông”, đóng vai trò huyết mạch trong vận chuyển lương thực, vũ khí từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Đoạn kênh Sắt, đặc biệt khu vực tiếp giáp sông Cấm, từng là tâm điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ nhằm cắt đứt tuyến tiếp tế quan trọng trên Quốc lộ 1A.
Trong quá trình bảo vệ tuyến kênh, 130 cán bộ, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh. Để tưởng nhớ những chiến sĩ đã ngã xuống, năm 1996, ngành Giao thông Vận tải Nghệ An đã dựng Đài tưởng niệm kênh nhà Lê tại xóm Tây Sơn (xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).
![Kênh đào đầu tiên và dài nhất lịch sử Việt Nam: Dài gần 500km, hơn 800 năm mới hoàn thành, được ví như 'đường mòn Hồ Chí Minh trên sông' - ảnh 4](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/11/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_11-_kenh_nha_le_xjoe.jpg)
Với những giá trị lịch sử, quân sự và kinh tế to lớn, năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng kênh nhà Lê tại Nghệ An là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Hơn một thiên niên kỷ đã trôi qua, kênh nhà Lê vẫn mang trong mình tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử. Công trình này không chỉ phản ánh tài trí của người xưa mà còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, minh chứng cho sự kiên trì, sáng tạo trong việc chế ngự thiên nhiên và phát triển đất nước.