Mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023 đã bắt đầu. Một số doanh nghiệp thép thông báo 'thành quả' đạt được với những ghi nhận trái chiều.
HPG - lãi quý IV vượt kỳ vọng: Trong phiên khớp lệnh cao nhất 14 tháng, Tập đoàn Hòa Phát đã công bố kết quả kinh doanh cải thiện mạnh trong quý IV/2023 với 34.925 tỷ đồng doanh thu và 2.969 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 33% và 249% so với cùng kỳ.
Kết quả đạt được trong quý cuối năm của Hòa Phát thậm chí vượt mức dự phóng 2.300 tỷ đồng của Công ty Chứng khoán SSI.
Tính chung cả năm 2023, "vua thép" Hòa Phát đạt 120.355 tỷ đồng doanh thu và 6.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. SSI cho rằng, sang năm 2024, dự kiến lợi nhuận của HPG có thể tăng hơn 80% lên trên 11.000 tỷ đồng do cải thiện sản lượng và giá thép ổn định trở lại.
HSG - thoát lỗ: CTCP Tập đoàn Hoa Sen (sàn HoSE) bước qua khoản lỗ nghìn tỷ năm 2022 bằng mức doanh thu 31.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 30 tỷ trong năm 2023. Con số dù khá khiêm tốn song vẫn được đánh giá cải thiện tích cực trong bối cảnh ngành thép đang chịu nhiều tác động.
Đáng nói, mức lãi mỏng trên đã giúp gần 616 triệu cổ phiếu HSG được Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đưa ra khỏi danh sách cắt margin.
TIS - tăng lỗ: CTCP Gang thép Thái Nguyên (sàn UPCoM) công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với 2.741 tỷ đồng doanh thu - tăng 26,1% so với cùng kỳ (YoY). Giá vốn hàng bán chiếm 95,3% song nhờ giảm 67,4 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp nên lãi sau thuế đạt 15,6 tỷ đồng - ngắt chuỗi 5 quý thua lỗ liên tục.
Dù vậy, kết quả khả quan vào quý cuối năm không giúp Gang thép Thái Nguyên thoát cảnh kinh doanh bết bát. Cả năm 2023, Tisco đạt doanh thu 9.351 tỷ đồng và lỗ sau thuế 179,2 tỷ. Năm trước đó, công ty đạt 11.699 tỷ đồng doanh thu và chỉ lỗ 9,1 tỷ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ nặng nề bởi biên lãi gộp giảm mạnh. Cùng với đó là tình trạng thu không đủ bù chi. Cụ thể, năm 2022, biên lãi gộp của doanh nghiệp là 3,7%, sang đến năm 2023 chỉ còn 1,9% bằng đúng chi phí lãi vay. Trong khi đó công ty còn phải gánh chịu chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
VCA - hụt kế hoạch kinh doanh: CTCP Thép Vicasa - VNSteel (sàn HoSE) công bố kết quả kinh doanh quý IV với doanh thu 471,3 tỷ đồng - giảm gần 6% so cùng kỳ 2022. Giá vốn tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp giảm 36% YoY còn 13 tỷ đồng.
Sau khi trừ các loại chi phí, Thép Vicasa chỉ lãi sau thuế 3,6 tỷ đồng - giảm gần một nửa so cùng kỳ 2022.
Lũy kế năm 2023, VCA đạt 1.725 tỷ đồng doanh thu thuần - giảm 26% YoY. Nhờ chi phí giá vốn giảm nên lợi nhuận gộp đạt 56,4 tỷ đồng - tăng mạnh 69% so với cùng kỳ. Sau trừ thuế phí, Thép Vicasa đạt hơn 7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong khi năm trước lỗ gần 6 tỷ đồng.
Đáng nói, kết quả này đã doanh nghiệp đã xóa được tình trạng lỗ lũy kế. Mặc dù tình hình kinh doanh năm 2023 khả quan hơn song công ty mới thực hiện được 74% mục tiêu đặt ra.
MEL - nợ vay chiếm 91% tổng nợ: CTCP Thép Mê Lin (sàn HNX) ghi nhận doanh quý quý IV và cản năm 2023 lần lượt đạt 177,3 tỷ đồng và 671 tỷ đồng, đều giảm đáng kể so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế quý IV giảm lần lượt 95% và 22% so với cùng kỳ còn 0,5 tỷ và gần 5,7 tỷ đồng.
Vấn đề lớn nhất của Thép Melin là gánh nặng chi phí tài chính gia tăng. Năm 2023, với 363 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn (chiếm 91,4% tổng nợ phải trả), công ty chịu khoản chi phí tài chính 29,2 tỷ đồng trong đó phần lớn là chi phí lãi vay.
TNB - thoát lỗ thành công: CTCP Thép Nhà Bè - VNSteel (Mã TNB - UPCoM) ghi nhận doanh thu tăng gần 7% trong quý IV/2023, đạt hơn 383 tỷ đồng. Nhờ tiết giảm giá vốn bán hàng nên lợi nhuận gộp tăng tới 63% YoY, đạt 19,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý cuối năm cũng cải thiện tích cực từ mức lỗ gần 1,7 tỷ sang lãi 3 tỷ đồng. Lũy kế năm 2023, công ty dù ghi nhận doanh thu giảm mạnh 550 tỷ đồng còn 1.148 tỷ song đã báo lãi sau thuế trở lại hơn 1,8 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 8,4 tỷ).
CBI - thoát lỗ: CTCP Gang thép Cao Bằng (Mã CBI - UPCoM) trong báo cáo tài chính riêng quý IV và cả năm 2023 cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu tích cực so với cùng kỳ, đạt lần lượt 520 tỷ và 2.616 tỷ đồng.
Dấu ấn quý IV tỏ ra rõ nét hơn khi lợi nhuận gộp của CBI tăng gấp 3 lần lên mức 48,8 tỷ đồng giúp công ty lãi sau thuế 15,9 tỷ đồng. Con số này tích cực hơn khoản lỗ 36 tỷ của quý IV năm ngoái. Đáng nói, chính khoán lợi nhuận này đã giúp công ty đảo chiều lợi nhuận cả năm với mức lãi ròng 1,4 tỷ đồng - giảm 81% so với năm 2022.
Đèo Cả vạch kế hoạch doanh thu hơn 15.000 tỷ đồng, khai thông 2 tuyến cao tốc năm 2025
Dự báo KQKD nhóm ngân hàng: Tốc độ tăng trưởng phân hoá, có nhà băng lãi tăng 63%