Hôm nay (17/1) là ngày Tập đoàn Hoa Sen (HSG) chốt danh sách cổ đông dự ĐHCĐ thường niên tổ chức giữa tháng 3 tới.
Như đã thông tin, trong phiên 16/1, nhóm cổ phiếu ngành thép đồng loạt tăng mạnh. Nổi bật, cổ phiếu NKG tăng trần, HSG cũng tăng 6%. Các cổ phiếu như HPG tăng 2,6%, POM tăng 5,7%, GDA tăng 3,6%, TVN tăng 3,2%,... Từ đây, trạng tích cực lan tỏa sang hầu hết các ngành khác như chứng khoán, xây dựng, điện,...
Diễn biến giá cổ phiếu thép phiên 16/1/2024 |
Xét về dòng tiền, việc thanh khoản ở nhóm cổ phiếu ngân hàng sụt giảm sau nhịp tăng giá ba tuần trước đó khiến dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu midcap. Thép là một trong số đó.
Xét về câu chuyện ngắn hạn: Diễn biến tích cực cả về giá lẫn thanh khoản của nhóm thép được ủng hộ bởi thông tin giá quặng sắt (hàm lượng 63,5% Fe) vừa giảm về mức thấp nhất 6 tuần.
Cụ thể, từ ngày 4-16/1, giá quặng sắt giao tại Thiên Tân, Trung Quốc đã giảm xuống mức 131 USD/tấn (-9,5%).
Theo Trading Economics, những khó khăn kinh tế vĩ mô dai dẳng đối với Trung Quốc và sự không chắc chắn về nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm nay đã làm giảm nhu cầu quặng sắt từ các nhà máy thép và cản trở hoạt động mua gia tăng trong mùa dự trữ thông thường của họ.
Với góc nhìn trung và dài hạn: Ngành thép được đánh giá tương đối tích cực trong năm 2024 với một số luận điểm: Giá thép phục hồi; thị trường bất động sản - nơi tiêu thụ 60% lượng cung ngành thép - dự báo hồi phục từ nửa sau năm 2024; giải ngân vốn đầu tư công và đẩy mạnh dứt điểm các dự án tồn đọng trong năm cũ.
Cổ phiếu HSG phát tín hiệu mới
Một cổ phiếu đáng chú ý giai đoạn hiện tại là HSG của Tập đoàn Hoa Sen (sàn HoSE). Với phiên tăng 6% cùng khớp lệnh đột biến (thuộc top đầu thị trường) ngày 16/1, cổ phiếu Hoa Sen xuất hiện tín hiệu đảo chiều ngắn hạn. Vị thế của các giao dịch tiền lớn tăng trở lại trên chỉ báo MCDX.
Cổ phiếu HSG đang hướng lên mức giá cao nhất 21 tháng |
Nhà đầu tư có thể chờ thêm tín hiệu xác nhận vượt vùng kháng cự trung hạn 22.5-23.0 trước khi gia tăng vị thế.
Xét về câu chuyện kinh doanh, Tập đoàn Hoa Sen bước qua khoản lỗ nghìn tỷ năm 2022 bằng mức doanh thu 31.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 30 tỷ trong năm 2023. Con số dù khá khiêm tốn song vẫn được đánh giá cải thiện tích cực trong bối cảnh ngành thép đang chịu nhiều tác động.
Đáng nói, mức lãi mỏng trên đã giúp gần 616 triệu cổ phiếu HSG được Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đưa ra khỏi danh sách cắt margin.
IPO một công ty con: Tại báo cáo thường niên (niên độ tài chính 2023-2024), Hoa Sen cho biết sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của CTCP Nhựa Hoa Sen tại mảng sản xuất, từng bước triển khai phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) khi đã chuẩn bị đủ nguồn lực và điều kiện thị trường cho phép.
Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2024-2026. Nếu tình hình kinh tế thuận lợi, HĐQT sẽ trình phương án IPO lên ĐHCĐ xem xét, thông qua.
"Tiến công" lĩnh vực bất động sản: Mặt khác, doanh nghiệp của Chủ tịch Lê Phước Vũ cũng vừa góp vốn thành lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn (vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Hoa Sen là 40 tỷ).
Pháp nhân mới thành lập có mục đích tìm kiếm bất động sản có giá trị từ 1.000 tỷ đến 3.000 tỷ đồng để phát triển các dự án văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở. Các dự án này có thể được sắp xếp để phục vụ văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê, hoặc có thể xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.
>> Triển vọng năm 2024 của 3 'ông lớn' ngành thép: HPG, HSG, NKG
Nhiên liệu đầu vào giảm mạnh, cổ phiếu thép bùng nổ
Nghìn nhân sự ngành thép mất việc năm 2023, Hoa Sen (HSG), Pomina gây bất ngờ