Cái kết của doanh nghiệp cuối cùng nhà Vinashin: Sống sót giữa cả họ phá sản, vững bước nhờ cú bắt tay với đại gia Hà Lan
Là doanh nghiệp cuối cùng thuộc hệ sinh thái Vinashin còn lại trên sàn chứng khoán, CTCP Đóng tàu Sông Cấm vẫn duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận suốt 7 năm qua, bất chấp những biến động lớn trong quá trình tái cơ cấu toàn ngành.
CTCP Đóng tàu Sông Cấm (UPCoM: SCY) tiền thân là xưởng công tư hợp doanh “Hải Phòng cơ khí” - được thành lập từ năm 1959. Đến tháng 3/1983, doanh nghiệp chính thức đổi tên thành Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm.
Ngày 11/3/1993, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, công ty được chuyển giao về trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (tiền thân của Vinashin). Sau quá trình cổ phần hóa, từ tháng 4/2008, công ty hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi chính thức là Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm (Sông Cấm Shipyard). Doanh nghiệp này bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 25/10/2017.
Đến cuối năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thống nhất thực hiện chủ trương xử lý SBIC theo hướng cho phá sản công ty mẹ và 7 công ty con, theo kết luận của Bộ Chính trị. Dù vậy, Đóng tàu Sông Cấm là trường hợp ngoại lệ không bị phá sản, mà được xử lý bằng cách thu hồi phần vốn góp của SBIC.
![]() |
Đóng tàu Sông Cấm |
Sống “khỏe” nhờ hợp tác chiến lược
Trái ngược hoàn toàn với công ty mẹ kinh doanh sa sút kéo dài, Đóng tàu Sông Cấm vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhiều năm qua. Từ năm 2018 đến 2024, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng trưởng liên tục, từ 10 tỷ đồng lên 81 tỷ đồng. Riêng quý I/2025, doanh thu thuần đạt 311 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 21 tỷ đồng - tăng lần lượt 9% và 31% so với cùng kỳ năm trước.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Đóng tàu Sông Cấm duy trì đà tăng trưởng là mối quan hệ hợp tác với Tập đoàn Damen (Hà Lan). Từ tháng 3/2002, hai bên đã ký kết hợp đồng hợp tác trong dự án đóng mới 5 tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển cho Cục Hàng hải Việt Nam. Từ đó đến nay, doanh nghiệp đều đặn thực hiện các đơn hàng đóng mới tàu chuyên dụng xuất khẩu cho Damen. Tính đến cuối năm 2024, công ty đã bàn giao tổng cộng 350 con tàu cho đối tác Hà Lan.
Đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Đóng tàu Sông Cấm đạt 1.680 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt, tiền gửi và các khoản tương đương tiền lên tới 656 tỷ đồng, chiếm 39% tổng tài sản. Nợ phải trả ở mức 730 tỷ đồng, đáng chú ý, doanh nghiệp không ghi nhận nợ vay tài chính.
![]() |
Đóng tàu Sông Cấm sống "khỏe" nhờ hợp tác chiến lược |
Dấu hiệu rút lui hay bước chuyển mình?
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy tư cách công ty đại chúng của CTCP Đóng tàu Sông Cấm, có hiệu lực từ ngày 21/5/2025. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực IPO và niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch, quyết định hủy tư cách công ty đại chúng của Đóng tàu Sông Cấm được xem là bước đi trái ngược với xu hướng chung. Tuy nhiên, đây cũng có thể là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu hoạt động hoặc định hướng lại chiến lược phát triển theo đặc thù của doanh nghiệp.
Trên thực tế, Đóng tàu Sông Cấm vẫn đang cho thấy sức sống mạnh mẽ, đặc biệt ghi dấu ấn trong ngành công nghiệp đóng tàu. Một trong những thành tựu nổi bật là việc thi công mẫu tàu chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới - tàu kéo RSD-E 2513 - do liên doanh Damen Sông Cấm tại Việt Nam thực hiện. Thiết kế được Tập đoàn Damen cung cấp, sử dụng hoàn toàn ắc-quy điện thay vì động cơ dầu diesel truyền thống. Con tàu này đã được tổ chức Guinness công nhận là “Tàu kéo điện mạnh nhất thế giới”, theo công bố của tờ Marine Link (Mỹ) ngày 12/11/2024.
Trong bối cảnh ngành đóng tàu Việt Nam từng trải qua những biến cố lớn, sự tồn tại và phát triển ổn định của Đóng tàu Sông Cấm có thể xem là một trường hợp điển hình về sự tái sinh sau khủng hoảng, bất chấp những ảnh hưởng từ quá trình tái cơ cấu hệ thống Vinashin trước đây.
>> Hành trình Vinashin và Vinalines sau 10 năm: Hai con tàu mới có một 'tiếng hát'
Sức ép thuế quan Mỹ: Apple, Foxconn bám trụ tại Việt Nam - Samsung, LG và Intel tính đường rút
Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đối diện 284 vụ điều tra, Hòa Phát (HPG) lách qua ‘khe cửa hẹp’