Sống

Khách sạn 143 tuổi cổ nhất Việt Nam: Từng là tài sản của cháu nội vua Louis Philip I, điểm hẹn của loạt chính trị gia, tình báo

Quỳnh Như 15/08/2023 11:02

Nơi này có kiến trúc, tiêu chuẩn phòng ở thượng hạng như các khách sạn tại Paris, từng đón tiếp một số nhà thơ, nhà văn, nhà tình báo nổi tiếng thế giới.

Năm 1930, một người Pháp tên là Mathieu Franchini mua lại khách sạn Continental từ công tước De Montpensie. Lập tức, bạn ông ấy đã đến chúc mừng rằng: "Mathieu, anh vừa mới tậu được lịch sử của Sài Gòn đấy!".

Khách sạn Continental Saigon Sài Gòn hiện nằm ở ngã tư Công trường Lam Sơn, Đồng Khởi (đối diện Nhà Hát Thành Phố), được khởi công xây dựng vào năm 1878 và khánh thành năm 1880. Với lịch sử 143 năm tuổi, đây chính là khách sạn lâu đời nhất Việt Nam.

Đây từng được gọi là ‘Đài Phát thanh Catinat’ vì đây là điểm hẹn quen thuộc của cánh nhà báo, phóng viên săn tin, các chính trị gia và doanh nhân tụ họp, bàn luận chuyện chính trị, làm ăn và thời cuộc.

kien-truc-khach-san-co-nhat-sai-gon.jpg
Khách sạn Continental thời Pháp thuộc. Ảnh: Tư liệu.

Cùng thời gian này, nhiều công trình nổi tiếng khác của Sài Gòn cũng được khởi công như nhà thờ Đức Bà (năm 1877), Bưu điện thành phố (năm 1886), Nhà hát lớn (1898), tòa thị chính nay là trụ sở UBND TP HCM (1898)...

Trong thời gian Pháp xâm chiếm Đông Dương, một trục du lịch đã được mở ra. Đồng thời, vào thời điểm năm 1860, Angkor ở Campuchia đã được phát hiện, khiến thế giới trầm trồ và tăng nhu cầu du lịch cũng như khám phá Đông Dương của giới quý tộc Pháp.

Chính lý do này khiến Pierre Cazeau (nhà sản xuất vật liệu xây dựng) đã nghĩ ra việc phải xây 1 khách sạn sang trọng ở Sài Gòn để làm chỗ lưu trú cho du khách người Pháp giàu có. Đây sẽ là điểm dừng chân cho người Pháp sau cả tháng đi bằng đường biển trước khi đi thám hiểm vùng đất Đông Dương.

Kiến trúc, nội thất cũng như cách bài trí đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris. Sau khi hoàn thành, đây là nơi dừng chân của các viên chức, sĩ quan cao cấp của Pháp đến công tác và du khách thập phương.

khach-san-continental.jpg

Trong chiều dài lịch sử, khách sạn Continental Saigon đã từng thuộc về nhiều chủ nhân, trong đó có bá tước Montpensier (cháu nội vua Louis Philip I). Năm 1911, bá tước De Montpensie nghỉ tại khách sạn Continental trong chuyến vượt đường xa từ Sài Gòn đến Angkor. Sau đó, ông quyết định mua luôn khách sạn. Bá tước ở lại Việt Nam một thời gian và trên đường du ngoạn qua Bình Thuận, ông đã mua và xây một biệt thự trên ngọn đồi nhìn ra biển và thành phố Phan Thiết. Người dân gọi đó là Lầu Ông Hoàng.

19 năm sau, De Montpensie bán lại khách sạn Continental cho chủ mới là Mathieu Francini. Gia đình này cũng là chủ nước ngoài cuối cùng của khách sạn Continental. Họ đã sở hữu và điều hành khách sạn đến 30/4/1975. Khách sạn đóng cửa 1 năm trước khi được giao cho Công ty Cung ứng Tàu biển làm nơi phục vụ thủy thủ và đổi tên thành khách sạn Hải Âu. Đến năm 1986, Continental Saigon được UBND TP.HCM giao cho Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) quản lý cho đến nay.

Năm 1989, công trình được tu sửa và lấy lại tên cũ Continental, rộng hơn 3.400 m2, cao 3 tầng. Từ đó tới nay, diện mạo kiến trúc của khách sạn Continental Sài Gòn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Dù có độ cao khiêm tốn, khách sạn Continental Sài Gòn vẫn nổi bật giữa trung tâm thành phố với mái lợp ngói, tường gạch dày cùng những ô cửa sổ duyên dáng. Cột trụ phù điêu in đậm phong cách kiến trúc Pháp.

hotel-outdoor-7.jpg

Bên ngoài, khách sạn được sơn màu trắng để giảm thiểu sự hấp thụ nhiệt vào mùa hè. Màu sơn trắng làm giảm bớt sự nặng nề của tòa nhà, đồng thời làm nổi bật sự vương giả và sang trọng của khách sạn. Bên trong, kiến trúc, nội thất cũng như cách bài trí đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris vào cuối thế kỷ XIX...

Một điều thú vị về khách sạn này sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng, đó là Continental từng là trụ sở tại Việt Nam của tạp chí danh tiếng Time và Newsweek. Đây cũng là địa điểm từng đón tiếp nhiều người nổi tiếng trên thế giới như nhà thơ Ấn Độ từng đoạt giải Nobel Văn chương năm 1913 - Rabindranath Tagore, nhà văn người Pháp Andre Malraux, nhà văn người Anh Graham Greene...

Trong đó, nhà văn người Anh Graham Greene là khách dài hạn của phòng 214. Phần lớn cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Người Mỹ trầm lặng” được ông viết trong thời gian lưu trú tại đây.

Đáng nói, khách sạn Continental Sài Gòn từng xuất hiện trong phim Đông Dương của đạo diễn Regis Wargnier. Bộ phim này được công chiếu toàn cầu năm 1992, đạt cả giải Oscar và Quả Cầu Vàng.

Đây cũng từng là nơi lưu trú của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn trong thời gian hoạt động tình báo ở Sài Gòn. Ông từng ở dài hạn tại phòng 307, khách sạn Continental. Chính vì khách sạn này là nơi lui tới của nhiều quan chức, báo chí Phương Tây để bàn bạc nên vô cùng thuận lợi cho việc thu thập thông tin cho việc tình báo. Thậm chí, dịp kỷ niệm 7 năm ngày mất của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn vào năm 2013, trước cửa phòng 307 của khách sạn này đã gắn bảng tên đồng trước cửa phòng để tưởng niệm.

phong-307.jpg
Bảng tên đồng được gắn trước phòng 307 - nơi Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn từng lưu trú dài hạn. Ảnh: Hotel Continental Saigon.

Nội dung trên tấm bảng như sau: "Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Khách sạn Continental Sài Gòn, trước đây có tên gọi là Continental Palace, từng là trụ sở của các tạp chí danh tiếng Time và Newsweek. Với sứ mệnh là một nhà tình báo chiến lược, tướng Phạm Xuân Ẩn, đã đi học báo chí ở Mỹ và sau đó là nhà báo chính thức của hãng tin Reuters, Tạp chí Time và New York Herald Tribune, đã từng hoạt động tại đây cho đến ngày 30/4/1975".

Không phải bầu Đức, đại gia Việt nào "chơi trội" chi gần trăm tỷ mua trực thăng rồi cho thuê giá... 1 đồng?

Chất không ai để ý nhưng lại là "thần dược" kéo dài tuổi thọ: Người từ U50 phải bổ sung ngay

Ròng rã 23 năm thăm dò mới vỡ oà phát hiện kho báu vàng trữ lượng 592 tấn: Mỏ vàng đơn lẻ lớn nhất quốc gia gần Việt Nam

Chủ quán dẫn khách lách hẻm, vượt chốt vào 'phố cà phê đường tàu' Hà Nội

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khach-san-143-tuoi-co-nhat-viet-nam-tung-la-tai-san-cua-chau-noi-vua-louis-philip-i-diem-hen-cua-loat-chinh-tri-gia-tinh-bao-196571.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Khách sạn 143 tuổi cổ nhất Việt Nam: Từng là tài sản của cháu nội vua Louis Philip I, điểm hẹn của loạt chính trị gia, tình báo
POWERED BY ONECMS & INTECH