Khách vay 'bùng' nợ ồ ạt, có công ty tài chính nợ xấu vọt lên 20%
Tình trạng khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ,... khiến cho nợ xấu của các công ty tài chính lên đến 8-10% cá biệt có đơn vị lên đến 20%.
Thông tin trên được ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết tại Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng – Đẩy lùi tín dụng đen” diễn ra sáng 31/10 tại Hà Nội.
Ông Hùng cho biết, tính đến 31/8, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống (cho vay tiêu dùng) của 16 công ty tài chính là 135.945,36 tỷ đồng (chiếm hơn 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng của các TCTD). Thực trạng nợ xấu của các công ty tài chính đang tăng cao là hồi chuông cảnh báo về tình trạng người vay không thực sự nghiêm túc trong việc trả nợ vay.
Theo đại diện của Hiệp hội Ngân hàng, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý. Đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động...
“Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên zalo, facebook …. nhưng không hề bị xử lý”, ông Hùng nói.
Theo ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Công ty tài chính Mcredit, trong năm 2023 do điều kiện thị trường không thuận lợi dẫn tới thực trạng không mấy sáng sủa cho các công ty tài chính. Trong nửa đầu năm 2023, dư nợ cho vay của các công ty tài chính đã giảm đáng kể với mức giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022 và 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022.
Còn theo báo cáo của Fiin Group, nợ xấu của các công ty tài chính đã tăng từ 10,7% vào cuối năm 2022 lên mức trung bình 12,5% vào cuối tháng 6/2023.
Để hạn chế nợ xấu cho các công ty tài chính, đồng thời đẩy lùi “tín dụng đen”, ông Lê Quốc Ninh đề xuất nghiên cứu hành lang pháp lý hoạt động xử lý nợ chuyên nghiệp; áp dụng ngưỡng nợ xấu riêng cho các công ty tài chính.
Bên cạnh đó, tình trạng “tín dụng đen” núp bóng cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính… khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính được NHNN cấp phép chính thống, đâu là tín dụng đen.
"Tín dụng đen” bị triệt phá liên tục
Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, trong năm 2022 Bộ Công an đã khởi tố 90 vụ án với hơn 400 bị can cho vay nặng lãi. Trong đó có nhiều băng nhóm, đối tượng hoạt động liên quan đến công nghệ cao (cho vay qua app), và có cả các đối tượng là người nước ngoài núp bóng các công ty do người Việt đứng tên để hoạt động “tín dụng đen”. Thậm chí, các đối tượng cho vay với lãi suất lên đến hàng nghìn phần trăm mỗi năm.
Bộ Công an đã triệt phá một số vụ án đối tượng núp bóng các công ty luật, công ty mua bán nợ để đòi nợ nhưng thực chất là chiếm đoạt tài sản của người vay.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn “tín dụng đen”. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hệ luỵ của “tín dụng đen” trên các phương tiện truyền thông.
Bộ Công an cũng cũng sẽ đẩy nhanh quá trình làm sạch dữ liệu dân cư, loại bỏ sim rác, tài khoản ảo, xác thực thông tin người dùng trên nền tảng MXH.
Nghi ngờ bị lấy cắp thông tin CCCD để vay tiền, người dân kiểm tra ngay bằng 2 cách đơn giản sau
Sacombank (STB) rao bán lô đất 1.800m2 tại quận 5, là nợ xấu dưới thời ông Trầm Bê