Khai quật doanh trại quân đội tìm thấy ‘bảo vật’ vàng 3.200 năm tuổi
Thanh kiếm được tìm thấy trong một căn phòng nhỏ với các dấu hiệu cho thấy nó từng được dùng để chiến đấu chứ không chỉ để trưng bày.
Theo thông tin trên Live Science, các nhà khảo cổ học tại Ai Cập mới đây đã phát hiện một doanh trại quân đội cổ đại có niên đại khoảng 3.200 năm. Tại đây, họ khai quật được nhiều hiện vật quý giá, trong đó nổi bật là một thanh kiếm bằng đồng khắc tên Ramesses II, vị pharaoh lừng danh của Ai Cập cổ đại.
Doanh trại này bao gồm nhiều phòng lưu trữ lương thực, lò nướng và khu vực chứa ngũ cốc. Trong quá trình khai quật, các nhà nghiên cứu tìm thấy đồ gốm chứa xương động vật như cá và bò. Theo nhà khảo cổ học Ahmed El Kharadly, xương bò được phát hiện trong khu vực gần lò nướng và có thể đã được xử lý, sấy khô, rồi lưu trữ tại các silo. Điều này cho thấy bò ở đây có thể được sử dụng làm thực phẩm, mặc dù trong văn hóa Ai Cập cổ đại, bò thường tượng trưng cho sức mạnh và thịnh vượng.
Đặc biệt, thanh kiếm được tìm thấy gần một khu vực dễ bị xâm nhập, có khả năng từng được sử dụng trong chiến đấu. Điều này củng cố giả thuyết rằng doanh trại được bố trí dọc theo con đường quân sự quan trọng ở phía Tây Bắc đồng bằng sông Nile, nơi quân đội có thể bảo vệ vùng đất này khỏi sự tấn công từ sa mạc phía tây và Biển Địa Trung Hải.
Theo giáo sư Peter Brand, người không tham gia vào cuộc khai quật, phát hiện này giúp chúng ta hiểu thêm về hậu cần quân sự dưới triều đại Ramesses II. Nhiều địa điểm quân sự khác do vị vua này xây dựng đã bị hư hại qua thời gian, nhưng nơi này lại được bảo quản tốt hơn. Thanh kiếm bằng đồng có thể đã được ban tặng cho một sĩ quan cấp cao như phần thưởng hoàng gia, khắc tên nhà vua để tôn vinh chủ nhân, đồng thời quảng bá quyền lực và sự hào phóng của vua Ramesses II.