Vĩ mô

Khảo sát bất ngờ: Lương càng thấp càng đi cà phê nhiều

Khương Lê 06/08/2024 - 20:59

Hai nhóm khách hàng hay đi cà phê nhất là nhóm có mức lương 5-10 triệu đồng/tháng và 10-20 triệu đồng/tháng, thông tin được chỉ ra trong khảo sát mới đây từ công ty nghiên cứu thị trường Mibrand.

Theo đó, báo cáo của Mibrand cho thấy, nhóm khách hàng có thu nhập thấp và trung bình đang là động lực chính thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam phát triển. Cụ thể, nhóm có mức lương 5-10 triệu đồng/tháng là những khách hàng thường xuyên nhất, với tần suất ghé quán 1-3 lần/tuần. Tiếp theo là nhóm thu nhập 10-20 triệu đồng/tháng, cũng có mức độ lui tới tương đương. Phần lớn khách hàng trong này là giới trẻ.

Trên thực tế, với xu hướng làm việc từ xa và độ mở của công việc freelancer như hiện nay, quán cà phê trở thành địa điểm làm việc quen thuộc của nhiều bạn trẻ GenZ, đặc biệt trong tháng hè nắng nóng.

Khảo sát của Mibrand còn cho thấy hơn 50% người trẻ trong cả hai nhóm thu nhập trên đều ưa chuộng các quán cà phê nhỏ ở mặt phố. Điều này phản ánh xu hướng tiêu dùng mới trong năm 2024, khi người dùng ngày càng chú trọng đến giá trị và mục đích chi tiêu của mình.

Giá trị thị trường quán cà phê Việt Nam đạt 11,5 nghìn tỷ đồng vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới 7,56%. Từ sự liên tục tăng mạnh của doanh thu ngành cho thấy, nhu cầu chi tiêu cho các dịp đi uống cà phê ngày càng lớn.

Theo thống kê của Mibrand, Việt Nam hiện nay có hơn 500.000 quán cà phê, từ những cửa hiệu nhỏ lẻ tại các ngõ phố, đến các chuỗi cà phê hiện đại với không gian và dịch vụ cao.

N
Nguồn: Mibrand

Thị trường quán cà phê tại Việt Nam được dẫn đầu bởi chuỗi Highlands với 721 cửa hàng, số liệu theo thống kê của Mibrand. Theo sau là hệ thống Trung Nguyên e+ Coffee (không bao gồm Trung Nguyên Legend) 542 cửa hàng và Phúc Long 167 cửa hàng.

The Coffee House, AHA Coffee và Trung Nguyên Legend là những thương hiệu tiếp theo.

Có thể thấy, các tên tuổi dẫn đầu thị trường đều là thương hiệu nội địa, phần nào cho thấy tính địa phương rất cao trong ngành đồ uống tại Việt Nam. Ngay cả Starbucks, dẫu thống trị trên thế giới nhưng vào Việt Nam hơn 10 năm cũng không đủ sức đánh bật các thương hiệu nội địa.

Sự đa dạng về loại hình các quán cà phê đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh những quán cà phê truyền thống mang phong cách đường phố, thị trường cũng chứng kiến sự xuất hiện của ngày càng nhiều quán cà phê có thương hiệu độc lập, với thiết kế ấn tượng và đồ uống chất lượng. Sự cạnh tranh giữa các thương hiệu cà phê hiện nay diễn ra gay gắt cả về chiều ngang (mở rộng hệ thống) và chiều dọc (ý tưởng thiết kế, không gian, đồ uống mới,...).

>> Cà phê đang dần trở thành thức uống đắt đỏ

Đặng Lê Nguyên Vũ: Mang tư duy 'giấc mơ vĩ cuồng' từ cà phê để làm bất động sản

Cà phê đang dần trở thành thức uống đắt đỏ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khao-sat-bat-ngo-luong-cang-thap-cang-di-ca-phe-nhieu-244540.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Khảo sát bất ngờ: Lương càng thấp càng đi cà phê nhiều
POWERED BY ONECMS & INTECH