Giá chào bán cổ phiếu HAG đang chênh tới 38% so với giá kết phiên 13/06 là 7.600 đồng/cp. Từ đầu năm 2022, giá cổ phiếu HAG đã lầm lũi lao dốc và đến nay, đã giảm hơn 50% so với đỉnh xác lập vào ngày 17/01.
Ngày 10/06, HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) thông qua việc triển khai phương án chào bán gần 162 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mục đích bổ sung vốn lưu động và trả nợ trái phiếu.
Cụ thể, HAG đăng ký chào bán riêng lẻ 161,9 triệu cổ phiếu ở mức giá 10.500 đồng/cp, để huy động tổng cộng 1.699 tỷ đồng từ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Toàn bộ số cổ phiếu từ đợt chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Số tiền thu được lần này sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động (qua hình thức cho vay) với các công ty con - cụ thể là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai, CTCP Chăn nuôi Gia Lai và CTCP Gia súc Lơ Pang - tổng cộng 1,2 nghìn tỷ đồng. 500 tỷ đồng còn lại được dùng để trả nợ gốc trái phiếu do HAG phát hành từ cuối năm 2016.
Trước đó, HAG đã công bố danh sách các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần bao gồm 2 tổ chức là Công ty TNHH Glory Land và CTCP Quản lý Việt Cát, cùng 1 cá nhân là ông Nguyễn Đức Quân Tùng. Trong đó, Glory Land sẽ chi 1.000 tỷ đồng mua 95,2 triệu cổ phiếu HAG (tương ứng tỷ lệ sở hữu 8,74% sau phát hành). Quỹ Việt Cát mua 47,6 triệu cổ phiếu, dự tính chi 500 tỷ đồng. Còn ông Nguyễn Đức Quân Tùng sẽ rót khoảng 200 tỷ đồng, mua hơn 19 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý, giá chào bán cổ phiếu HAG đang chênh tới 38% so với giá kết phiên 13/06 là 7.600 đồng/cp. Từ đầu năm 2022, giá cổ phiếu HAG đã lầm lũi lao dốc và đến nay, đã giảm hơn 50% so với đỉnh xác lập vào ngày 17/01.
Về tính hình kinh doanh, kết quý I/2022, doanh thu thuần của HAGL đạt 803 tỷ đồng - gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022; lãi gộp lên tới 290 tỷ đồng - gấp 5,5 lần cùng kỳ; lãi sau thuế quý đạt 258 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước báo lỗ gần 69 tỷ đồng); lãi sau thuế công ty mẹ đạt 250 tỷ đồng; đây là quý thứ 4 liên tiếp HAG có lãi.
Cổ phiếu HAG vướng tin đồn hủy niêm yết sàn HOSE
Trước đó hồi quý I/2022, thị trường từng rầm rộ tin đồn về việc cổ phiếu HAG sẽ bị hủy niêm yết do bị lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp từ 2017 đến 2019.
"Căn cứ vào luật thì không thể xảy ra trường hợp cổ phiếu HAGL bị hủy niêm yết trên HOSE. Do đó, tôi không hiểu tại sao gần đây lại xuất hiện giả định trường hợp bị hủy niêm yết sẽ xảy ra", luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định.
Theo luật sư Truyền, HAGL bị lỗ sau thuế 3 năm liên tiếp là 2017, 2018 và 2019 (sau khi xác định có sự khác biệt giữa báo cáo tài chính của doanh nghiệp và kiểm toán). Do đó, phải căn cứ theo luật được áp dụng vào thời điểm xảy ra lỗ lũy kế.
Dù nghị định 58/2012 quy định về việc hủy bỏ niêm yết trong trường hợp doanh nghiệp thua lỗ trong 3 năm liên tục, nhưng chỉ xét theo nội dung của báo cáo tài chính kiểm toán hằng năm được công bố, chứ không bao gồm việc doanh nghiệp phát hiện lỗ và điều chỉnh lại kết quả kinh doanh sau đó.
Ngoài ra, tại thời điểm lập báo cáo tài chính của HAGL cho các năm 2017, 2018 và 2019 trước đây có ý kiến kiểm toán ngoại trừ về khả năng thu hồi của các khoản phải thu. Tuy nhiên, nội dung này chỉ mới được quy định tại nghị định 155/2020 và chỉ bị xử lý hủy bỏ niêm yết từ ngày 1/1/2022 (khoản 12 điều 310 nghị định 155/2020), tức nghị định 155/2020 không thể áp dụng trong trường hợp trên của HAGL.
"Theo luật thì không thể hủy niêm yết được", luật sư Truyền nhấn mạnh và cho rằng nhà đầu tư không nên đặt giả định sẽ bị hủy niêm yết, trừ khi có văn bản chính thức từ cơ quan chức năng.
Vay 9.600 tỷ đồng, ai đang là chủ nợ lớn nhất của HAGL Agrico (HNG)?
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của HAGL (HAG)