Đại gia thịt mát báo lỗ, Bầu Đức muốn bán chuỗi heo ăn chuối
Nhiều đại gia trên sàn chứng khoán ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi giá thịt heo tiếp tục giảm. Trong khi đó, Bầu Đức muốn thoái sạch vốn tại công ty chuyên phân phối heo ăn chuối.
CTCP Masan MEATLife (mã MML) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023. Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.984 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Theo giải trình về biến động lợi nhuận, cuối năm 2022, doanh nghiệp có thêm doanh thu của mảng thịt chế biến.
Tuy nhiên, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 447 tỷ đồng so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính giảm 409 tỷ đồng do khoản giảm từ phí ký kết hợp đồng mua hàng. Chi phí tài chính tăng 117 tỷ đồng do khoản tăng thêm từ chi phí lãi vay.
Năm 2023, đại gia bán thịt lợn ghi nhận lỗ thuần sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 539 tỷ đồng, tăng lỗ 306 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Về thù lao của ban lãnh đạo, Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Trung nhận thù lao hơn 5 tỷ đồng. Trong khi đó, thành viên HĐQT không nhận đồng nào trong năm qua.
Masan MEATLife được thành lập vào năm 2015. MML tiếp tục đầu tư vào trang trại, nhà máy chế biến và hoàn thành mô hình 3F bằng việc ra mắt sản phẩm thịt mát MEATDeli vào tháng 12/2018.
Cũng bán thịt lợn, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) cho hay, tình hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước, nhu cầu tiêu dùng giảm.
Giá lợn hơi giảm trong một thời gian dài dẫn tới kết quả chăn nuôi của các công ty giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Dabaco ghi nhận lãi năm 2023 đạt hơn 25 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 4,4% so với kế hoạch năm.
Trong khi đó, CTCP Hoàng Anh Gia Lai(HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai (Bapi HAGL). Công ty này được thành lập tháng 5/2022, phân phối các sản phẩm từ heo ăn chuối của HAG như thịt tươi và các sản phẩm chế biến.
Tin doanh nghiệp niêm yết
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* LIG: CTCP Licogi 13 thông báo không phân phối được cổ phiếu nào trong tổng số hơn 22,5 triệu đơn vị chào bán riêng lẻ trong năm 2023.
* QNS: CTCP Đường Quảng Ngãi chốt danh sách trả cổ tức còn lại với tỷ lệ 20%. Ngày chốt danh sách là 17/4 và ngày thanh toán dự kiến là 26/4.
* SMC: Bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại SMC, đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu từ ngày 15/3-13/4 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* SKG: Bà Hà Nguyệt Nhi, Thành viên HĐQT CTCP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang, đăng ký bán 270.000 cổ phiếu từ ngày 13/3-11/4 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* PPE: Ông Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn đầu tư PP Enterprises, đăng ký mua hơn 196.000 cổ phiếu từ ngày 13/3-11/4 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* TNG: Ông Nguyễn Mạnh Linh, Ủy viên HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG, đăng ký bán 1,18 triệu cổ phiếu từ ngày 13/3-10/4 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* FTS: Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Kế toán trưởng CTCP Chứng khoán FPT, đăng ký bán hơn 217.000 cổ phiếu từ ngày 15/3-12/4 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
VN-Index
Chốt phiên 11/3, VN-Index giảm 11,86 điểm (-0,95%) xuống 1.235,49 điểm. HNX-Index giảm 2,48 điểm (-1,05%) xuống 233,84 điểm. UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (-0,63%) xuống 90,66 điểm.
Nhận định thị trường, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng VN-Index tiếp tục hình thành mẫu nến giảm điểm thân đặc kéo dài, cho thấy áp lực phân phối vẫn đang áp đảo những nỗ lực tích lũy của bên mua.
Điểm tích cực là sau hai phiên giảm mạnh, giá một số cổ phiếu đã bắt đầu quay về các vùng hỗ trợ gần và lực cầu bắt đáy sẽ sớm gia tăng.
Khi xu hướng tăng vẫn đang được duy trì, chỉ số được kỳ vọng sẽ cho phản ứng hồi phục trở lại tại các vùng hỗ trợ, gần là quanh 1.240 điểm và sâu hơn là 1.215 (+/-10) điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị trải lệnh từng phần, gia tăng tỷ trọng trading gối đầu cho vị thế đang nắm giữ khi chỉ số hoặc các mã mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ.
Còn Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư duy trì tâm lý thận trọng, nhưng không nên hoảng loạn bán đuổi cổ phiếu trong các phiên rung lắc mạnh.
Thay vào đó, nên tận dụng những nhịp điều chỉnh để giải ngân cổ phiếu vẫn đang nằm trong nhịp tăng trung hạn và đã có mức chiết khấu tốt. Các nhóm ngành chú ý trong thời gian tới: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
Bầu Đức thu nghìn tỷ sau 2 tháng, dự báo nguồn tiền đột biến nửa cuối năm
Bầu Đức thu nghìn tỷ sau 2 tháng, dự báo nguồn tiền đột biến nửa cuối năm
Các quỹ sẽ mua mới 14 triệu cổ phiếu HAG - cổ phiếu của ‘bầu’ Đức được dự báo lọt rổ FTSE ETF