Trước khi vướng vòng lao lý, ông Trịnh Văn Quyết - "thuyền trưởng" Tập đoàn FLC từng bày tỏ niềm tự hào về thanh khoản của cổ phiếu FLC: "Muốn mua bao nhiêu cũng có người bán và muốn bán bao nhiêu cũng có người mua".
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa ban hành 3 quyết định về việc đưa 3 cổ phiếu từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 1/6/2022 gồm: Cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC, ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros, và HAI của CTCP Nông dược HAI.
Lý do mà HOSE đưa ra là cả ba doanh nghiệp kể trên đều chậm nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Theo đó, từ ngày 1/6/2022, các cổ phiếu FLC, ROS và HAI chỉ được giao dịch vào buổi chiều theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.
Kết phiên 25/5, FLC đang đứng mức 6.660 đồng. Ngược lại, ROS và HAI lần lượt là 4.400 đồng và 3.400 đồng - đều ghi nhận giảm khoảng 60% so với thời điểm đầu năm.
Việc thời gian giao dịch bị hạn chế có thể sẽ tác động tới thanh khoản của ba mã cổ phiếu nói trên. Theo thống kê của HOSE dưới đây, FLC và ROS nằm trong top 4 cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất năm 2021 - chỉ sau 2 cổ phiếu blue chip là STB của Sacombank và HPG của Tập đoàn Hòa Phát.
Ngày 10/6 tới đây, Tập đoàn FLC sẽ triệu tập ĐHCĐ thường năm 2022 tại hội trường tầng 36, Tòa nhà Bamboo Airways, số 265 phố Cầu Giấy, Hà Nội.
Danh sách cổ đông được quyền tham dự đại hội bất thường đã được lập vào ngày 9/5. Đại hội dự kiến sẽ chính thức miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung, miễn nhiệm chức vụ thành viên Ban Kiểm soát đối với bà Phan Thị Bích Phượng, ông Nguyễn Chí Cương và ông Nguyễn Đăng Vụ.
Sau đó, đại hội bất thường ngày 10/6 sẽ bầu bổ sung hai thành viên HĐQT (trong đó có một thành viên độc lập) và ba thành viên Ban Kiểm soát.
Ngày 29/3/2022, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam để phục vụ điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Ngày 8/4, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Hương Trần Kiều Dung bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán.
Sau khi ông Quyết và bà Dung bị bắt, HĐQT của Tập đoàn FLC còn ba người gồm ông Đặng Tất Thắng (được bầu làm Chủ tịch thay ông Quyết từ ngày 31/3), bà Bùi Hải Huyền (Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc), và ông Lã Quý Hiển (Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc).
Hai thành viên Ban Kiểm soát là bà Phan Thị Bích Phượng và ông Nguyễn Chí Cương cùng xin từ nhiệm vào ngày 14/4. Đến ngày 20/5 vừa qua, thành viên cuối cùng của Ban Kiểm soát là ông Nguyễn Đăng Vụ cũng xin từ nhiệm. Hiện nay, Ban Kiểm soát của Tập đoàn FLC không còn lại ai.
Tập đoàn FLC hiện vẫn chưa hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 nên chưa thể công bố báo cáo thường niên và cũng chưa đủ điều kiện tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022.
Tương tự, CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) và CTCP Nông dược HAI (HAI) cũng chưa hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo thường niên năm 2021, chưa chốt quyền tham dự đại hội cổ đông thường niên 2022.
ĐHCĐ của một số doanh nghiệp trong họ FLC thời gian gần đây đã không đủ điều kiện diễn ra do số cổ phần của các cổ đông tham dự ít hơn mức tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Với đại hội lần 1, các cổ đông tham dự theo cả hình thức trực tiếp và ủy quyền phải đại diện cho trên 50% tổng số cổ phần biểu quyết. Với đại hội lần 2, tỷ lệ phải đạt ít nhất 33%. Nếu đại hội lần 2 vẫn bất thành thì doanh nghiệp sẽ thực hiện đại hội lần 3, cuộc họp ĐHCĐ lần thứ 3 được tiến hành bất kể tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp là bao nhiêu.
Ngày 27/4, CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) tổ chức đại hội thường niên với 105 cổ đông tham dự theo cả hình thực trực tiếp và ủy quyền, đại diện cho 1,25% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đại hội lần 2 diễn ra ngày 18/5 với 30 cổ đông dự họp đại diện cho 1,85% số cổ phần. Đại hội lần 3 dự kiến sẽ được tổ chức vào sáng ngày 16/6.
Ngày 28/4, CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã: GAB) tổ chức đại hội thường niên nhưng chỉ có một cổ đông tham dự trực tiếp và 3 cổ đông ủy quyền. Tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của 4 cổ đông tham dự đại hội là 262, tương đương 0,0018%.
Đại hội lần 2 được FLC GAB tổ chức vào ngày 20/5 với 46 cổ đông tham dự theo hình thức ủy quyền và không có cổ đông nào tham dự trực tiếp. Tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông tham dự là 2.484, tương đương tỷ lệ 0,0167%.
Cổ đông lớn nhất của FLC GAB là ông Trịnh Văn Quyết với tỷ lệ sở hữu 51%. Trước khi bị bắt tạm giam, ông Quyết đã ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC thực hiện toàn bộ quyền liên quan đến tài sản, quyền tài sản thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết bao gồm cổ phần tại các doanh nghiệp như Tập đoàn FLC, hãng hàng không Bamboo Airways, FLC GAB, …
Tuy nhiên, theo kết quả đại hội lần 1 và lần 2 của FLC GAB đã nói ở trên, bà Vũ Đặng Hải Yến đã không tham dự cả 2 lần. Cổ phiếu GAB trên sàn chứng khoán hoàn toàn không có giao dịch liên tục từ ngày 28/3 đến nay.
Ngày 4/5, CTCP Đầu tư Thương mại Xuất Nhập khẩu CFS (KLF) tổ chức đại hội với tổng cộng 45 cổ đông tham dự, đại diện cho 0,21% tổng số cổ phiếu có quyền lưu hành. Đại hội lần 2 dự kiến được tổ chức vào ngày 26/5.
CTCP Chứng khoán BOS (ART) sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 27/5 để tổ chức đại hội thường niên vào ngày 27/6/2022.