Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, điều chỉnh các chính sách thuế cần bám sát giá xăng dầu thế giới.
Ngày 15/9/2022, tại buổi Họp báo thông tin về Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Quốc hội đã thông báo về kế hoạch giảm thuế phí đối với xăng dầu trước thềm Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV sắp diễn ra.
Trước những đề xuất giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào giá xăng dầu thế giới.
“Bám sát giá xăng dầu thế giới để đánh giá tác động giảm hay điều chỉnh các chính sách thuế”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.
Theo ông Thanh, nếu giá dầu thô tăng ngưỡng 110 - 120 USD/thùng như thời điểm trước đây, chắc chắn Chính phủ sẽ cân nhắc phương án trình Quốc hội giảm hai sắc thuế trên đối với xăng dầu.
Trước đó, trong thẩm quyền, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết để giảm “kịch khung” thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Việc giảm thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu thuộc vào thẩm quyền của Quốc hội.
Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, ngoài các sắc thuế, cũng cần xem lại các yếu tố cấu thành của giá xăng dầu để điều chỉnh hay sử dụng quỹ bình ổn thế nào để công khai minh bạch để làm sao để giá xăng dầu ổn định, giá thành rẻ.
Vừa qua, Bộ Công Thương thực hiện các rà soát liên quan đến hoạt động cung ứng xăng dầu, đã xử phạt vi phạm hành chính nhiều doanh nghiệp cung ứng xăng dầu vi phạm.
Gần đây nhất, trong kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 24/8, đã giao Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Bên cạnh đó là sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.
Trước đó, ngày 14/9, Bộ Tài chính đã công khai thông tin tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG).
Bộ Tài chính cho biết, tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 và Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 (sửa đổi, bổ sung) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đến hết Quý II/2022 (hết ngày 30/6/2022): 310,794 tỷ đồng;
Tổng số trích Quỹ Bình ổn xăng dầu trong Quý II năm 2022 (từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 30/6/2022): 1.007,807 tỷ đồng; Tổng số sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong Quý II năm 2022 (từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 30/6/2022): 526,726 tỷ đồng. Số lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu dương trong Quý II năm 2022: 1,426 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư âm trong Quý II năm 2022: 1,792 triệu đồng.
Số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời điểm 31/3/2022: -169,920 tỷ đồng.
Trong kỳ điều hành ngày 12/9 vừa qua, giá xăng trong nước đã giảm hơn 1.000 đồng/lít. Cụ thể, xăng RON 95 giảm 1.020 đồng, về mức 23.210 đồng/lít và E5 RON 92 là 22.230 đồng/lít, giảm 1.120 đồng/lít.
Dầu diesel giảm 1.000 đồng/lít, về mức 24.180 đồng/lít. Mỗi lít dầu hỏa cũng giảm 1.030 đồng, về mức 24.410 đồng/lít. Dầu mazut giảm 1.040 đồng/kg, chỉ còn 15.030 đồng.
Giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp vận tải đồng loạt hạ giá cước