Khó khăn "bủa vây" người dân Gaza
Thường dân Palestine đang phải gánh chịu thảm họa do những thất bại chính trị và chiến lược kéo dài nhiều năm từ mọi phía.
Chỉ hơn một tuần trước, các tay súng Hamas đã vượt qua biên giới kiên cố với Israel, phá vỡ vòng vây ở Gaza và tiến hành tấn công vào một số cộng đồng và một lễ hội âm nhạc khiến hàng trăm binh sĩ và dân thường Israel thiệt mạng. Khoảng 150 người Israel, bao gồm cả dân thường, đã bị bắt cóc và đưa về Gaza làm con tin.
Kể từ đó, hai triệu người Palestine đã buộc phải sống trong điều kiện khắc khổ ở Dải Gaza bị bao vây và đang hứng chịu một loạt các cuộc không kích của Israel nhằm vào các vùng lãnh thổ của người Palestine, biến nhiều khu vực dân cư thành đống đổ nát. Cho đến nay, trên 2.600 người Palestine đã thiệt mạng và gần 10.000 người bị thương.
Ngày 15/10, người phát ngôn của cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine, UNRWA, cho biết ước tính khoảng một triệu người - một nửa dân số Dải Gaza - đã phải di dời chỉ trong một tuần. Vẫn chưa rõ có bao nhiêu người Palestine vẫn ở lại phía Bắc Gaza sau một mệnh lệnh quân sự của Israel đối với hàng nghìn công dân rằng họ phải di chuyển về phía Nam trước một chiến dịch trên bộ sắp xảy ra. Liên hợp quốc đã mô tả việc di dời hơn một triệu người một cách có trật tự và an toàn dựa trên lệnh này là “không thể”.
Dải Gaza không có điện và đang trong tình trạng thiếu lương thực, nước, nhiên liệu và thuốc men trầm trọng. Tổ chức Y tế Thế giới đã lên án lệnh sơ tán 22 bệnh viện ở Gaza của Israel, cho rằng việc buộc 2.000 bệnh nhân phải di dời "có thể tương đương với bản án tử hình".
Trong cuộc hội đàm hôm 14/10 tại Abu Dhabi giữa Tổng thống UAE Sheikh Mohamed và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, vấn đề thiết lập hành lang nhân đạo tới Gaza để hỗ trợ y tế và cứu trợ là một trong những chủ đề được thảo luận. Việc ưu tiên các sáng kiến như vậy là đáng hoan nghênh và UAE đã tiến xa hơn: Đồng ý viện trợ trực tiếp 20 triệu USD cho người dân Palestine.
Ngoài ra, một máy bay của UAE đã chở viện trợ y tế đến thành phố Al Arish của Ai Cập với ý định đưa viện trợ y tế đến Gaza thông qua cửa khẩu Rafah. Hội Chữ thập Đỏ UAE, phối hợp với Chương trình Lương thực Thế giới, Bộ Ngoại giao và Bộ Phát triển Cộng đồng UAE, đã phát động chiến dịch quyên góp cho Gaza để tiếp nhận các gói cứu trợ nhân đạo.
Nhưng thực tế là những nỗ lực như vậy đang minh chứng cho những thất bại chính trị và chiến lược đã đưa Dải Gaza đến tình trạng thảm khốc hiện nay.
Quân đội Israel mới đây cho biết họ đang ở giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho một “chiến dịch trên bộ quan trọng”. Kết quả cuối cùng của cuộc xung đột này sẽ ra sao vẫn chưa chắc chắn, nhưng có một điều rõ ràng giữa những vấn đề gây tranh cãi: chính thường dân Palestine sẽ phải gánh chịu nặng nề nhất.
Kênh CNN của Mỹ ngày 16/10 dẫn lời các chuyên gia của Liên hợp quốc cảnh báo, Gaza đang bị "bóp nghẹt" bởi cuộc bao vây và oanh tạc trên không kéo dài một tuần của Israel. Dư luận ngày càng lo ngại rằng sự leo thang hơn nữa và tình trạng thiếu an toàn khi dân thường di tản có nguy cơ lôi kéo các đối thủ trong khu vực vào cuộc xung đột kéo dài.
Theo Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc, có nhu cầu cấp thiết về việc tạm dừng các hoạt động thù địch để cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza. "Đã có những nỗ lực ngoại giao rất lớn để cố gắng biến điều này thành hiện thực. Tổng thư ký Liên hợp quốc liên tục liên lạc với tất cả các bên liên quan và nhiều quốc gia thành viên khác cũng đang sử dụng đòn bẩy mà họ có thể. Chúng tôi cần an toàn cho quá trình viện trợ để việc giao hàng có thể được tiến hành”, người phát ngôn của UNHRO Ravina Shamdasani nói với CNN ngày 16/10.
Việc tiếp cận nguồn nước, thực phẩm, việc buộc hàng trăm nghìn người phải sơ tán về phía Nam Gaza cũng đã tạo ra tình hình nhân đạo vô cùng khó khăn. Bà Shamdasani cảnh báo rằng: “Khả năng hàng nghìn người sẽ chết nếu việc viện trợ không được thực hiện”.
Vì sao Israel liên tiếp đánh bom cơ sở quân sự Syria?
Nga tố Israel gây bất ổn ở Syria, Mỹ muốn phe đối lập phá hủy vũ khí hóa học