Nhịp sống

Khoan trúng túi khí dưới lòng đất, giếng nước ở Việt Nam bất ngờ phun trào 30m

Mộng Kha 23/08/2024 22:18

Khu vực xung quanh giếng nước là một vùng đồng bằng khá bằng phẳng, với khoảng 10 lỗ khoan sâu từ 10-150m đều không có nước.

Theo thông tin từ Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia), liên quan đến việc giếng nước tại xã Ia Kly đã có hiện tượng phun trào cao bất thường vào ngày 21/8. Liên đoàn nhận định rằng hiện tượng này có thể do quá trình khoan giếng đã chạm đến một túi khí ngầm. Ngoài ra, nước giếng có chất lượng tốt và các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép.

Giếng nước tại xã Ia Kly đã có hiện tượng phun trào cao bất thường vào ngày 21/8 (Ảnh: Internet)

Giếng nước tại xã Ia Kly đã có hiện tượng phun trào cao bất thường vào ngày 21/8 (Ảnh: Internet)

Cụ thể, dựa trên kết quả khảo sát, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung nhận định rằng hiện tượng khí phun lên có thể do quá trình khoan đã chạm phải một túi khí ở độ sâu từ 186m trở xuống. Nước phun ra từ giếng rất trong, không mùi, có vị the nhẹ, hơi ngọt, nhiệt độ bình thường và không gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.

Theo đánh giá của đơn vị kiểm tra, nước trong giếng có khả năng cao là nước mưa thấm qua các tầng đất đá, ít có khả năng là nước chôn vùi trong các mỏ sâu hoặc có nguồn gốc nội sinh khác. Khu vực xung quanh giếng nước là một vùng đồng bằng khá bằng phẳng, với khoảng 10 lỗ khoan sâu từ 10-150m đều không có nước.

Đơn vị này cũng cho biết cần tiến hành nghiên cứu chi tiết và chuyên sâu để xác định chính xác nguồn gốc và đặc điểm của khí phun lên từ giếng nước.

Được biết trước đó, vào cuối tháng 7, ông Phạm Xuân Hòa ở làng Klã, xã Ia Kly, đã cần nước tưới cho cây trồng và quyết định khoan sâu thêm giếng cũ của gia đình tới hơn 100m nhưng không tìm thấy nước. Sau khi khoan thêm khoảng 90m nữa, bộ dụng cụ khoan nặng khoảng 21 tấn bất ngờ bị lực nâng lên. Khi kéo máy khoan lên, giếng nằm trên đồi đã xuất hiện hiện tượng phun khí và nước cao hàng chục mét và đến nay hiện tượng này vẫn chưa dừng lại.

Nước phun ra từ giếng rất trong, không mùi, có vị the nhẹ, hơi ngọt, nhiệt độ bình thường và không gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng (Ảnh: Internet)

Nước phun ra từ giếng rất trong, không mùi, có vị the nhẹ, hơi ngọt, nhiệt độ bình thường và không gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng (Ảnh: Internet)

Theo ông Hoàng Văn Long, chuyên gia từ Viện Dầu khí Việt Nam, trong lòng đất hoặc vùng ngập nước thường chứa nhiều vi sinh vật. Khi các vi sinh vật này chết đi, chúng lắng xuống và tích tụ thành lớp trầm tích giàu chất hữu cơ (bao gồm bùn đất và xác sinh vật). Ở một nhiệt độ và áp suất nhất định, chất hữu cơ này phân hủy thành các hydrocacbon, chủ yếu là khí metan (khí đốt bếp gas) và một số loại khí khác như H2S và CO2.

Khi lượng khí tích tụ trong lòng đất càng nhiều, áp suất càng tăng, tạo thành túi khí. Túi khí này có thể bị giải phóng đột ngột khi có vật tác động vào, dẫn đến hiện tượng phun trào khí và nước như đã thấy.

>> Núi lửa duy nhất thế giới phun dung nham lỏng đang ‘chìm’ dần vào lòng đất

Hồ nước rộng gần 3.000m2 được ví như ‘quả bom nổ chậm’ luôn sẵn sàng phát nổ, có thể khiến 2 triệu người thiệt mạng nếu phun trào

Dòng nham thạch phủ đầy rêu xanh 56km2 độc nhất vô nhị được 'kiến tạo' từ vụ phun trào núi lửa

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/khoan-trung-tui-khi-duoi-long-dat-gieng-nuoc-o-viet-nam-bat-ngo-phun-trao-30m-d131309.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khoan trúng túi khí dưới lòng đất, giếng nước ở Việt Nam bất ngờ phun trào 30m
    POWERED BY ONECMS & INTECH