Khởi công nhà máy sản xuất găng tay bảo hộ an toàn tại Nam Định, vốn đầu tư lên tới hơn 2.000 tỷ đồng
Dự kiến, nhà máy này sẽ chính thức đi vào sản xuất từ tháng 12/2025.
Theo báo Nam Định, ngày 18/11, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Kiến Hưng đã tổ chức lễ khởi công Dự án Kỹ thuật bảo hộ an toàn Xingyu Việt Nam, thuộc Tập đoàn Xingyu Safety Technology (Singapore) Pte. Ltd. Đây là dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư gần 84,5 triệu USD (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng), triển khai tại Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 103.500m2, với quy mô sản xuất 300 triệu đôi găng tay bảo hộ lao động mỗi năm (tương đương 1.950 tấn/năm), 10 triệu đôi găng tay y tế/năm (tương đương 300 tấn/năm).
Thời gian hoạt động của dự án kéo dài 37 năm, từ khi nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đến ngày 30/12/2060. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ chính thức đi vào sản xuất từ tháng 12/2025.
> > Trong năm 2024, GELEX (GEX) đã khởi công 4 dự án theo tiêu chuẩn công trình xanh
Xingyu Safety Technology, nhà đầu tư chính, là tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất găng tay bảo hộ lao động và găng tay y tế. Thành lập từ năm 1992 tại Singapore, Xingyu hiện sở hữu hơn 130 dây chuyền sản xuất hiện đại với công suất đạt 3 triệu đôi găng tay mỗi ngày. Tập đoàn này có đội ngũ hơn 3.500 nhân viên, đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng sản phẩm bảo hộ an toàn chất lượng cao cho thị trường quốc tế.
Khu công nghiệp Bảo Minh. Nguồn: Báo Nam Định |
Việc khởi công dự án không chỉ đánh dấu bước phát triển mới của Tập đoàn Xingyu tại Việt Nam, mà còn hứa hẹn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư nước ngoài tại tỉnh Nam Định.
Khu công nghiệp Bảo Minh đi vào hoạt động từ năm 2010, đã trở thành một trong những khu công nghiệp tiêu biểu của tỉnh Nam Định. Hiện nay, khu công nghiệp này đang vận hành hiệu quả với hàng chục dự án FDI, tạo việc làm ổn định cho hơn 20.000 lao động.
Tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương mở rộng khu công nghiệp thêm 45ha, mở ra cơ hội phát triển mới và gia tăng không gian thu hút đầu tư. Song song với đó, tỉnh Nam Định đang tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng tại các khu công nghiệp tiềm năng như Mỹ Trung, Hồng Tiến... Đồng thời, tỉnh triển khai các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư lớn.
Hướng tới năm 2030, Nam Định đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, ưu tiên phát triển các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và sản xuất công nghiệp thông minh, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực và cả nước.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Nam Định, trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế Nam Định có tốc độ tăng trưởng vượt xa so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước, đạt mốc 8,56% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 11/63 tỉnh thành cả nước.
Riêng về công tác xúc tiến đầu tư, tính đến hết ngày 20/6, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 39 dự án, bao gồm 20 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 5.572,8 tỷ đồng và 148,9 triệu USD. Như vậy, số lượng dự án gấp 3,4 lần và số vốn đầu tư đăng ký gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện tại, toàn Nam Ðịnh có 170 dự án FDI đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4,1 tỷ USD.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, Nam Định có rất nhiều dư địa để thu hút vốn đầu tư FDI, như về quỹ đất, về hạ tầng, nhân lực và đã có những cơ chế thông thoáng tạo điểm nhấn.