Khởi động lại tuyến đường 'huyết mạch' nối Hà Nội với Ninh Bình sau 16 năm
Tuyến đường trục phía Nam Hà Nội dài 41,5km, trị giá hơn 6.000 tỷ đồng đối ứng bằng hơn 500ha đất, được định hướng thông tuyến vào năm 2025.
Dự án đường trục phía Nam Hà Nội có tổng chiều dài 41,5km, được khởi công vào năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2014 do Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 làm nhà đầu tư, CTCP Phát triển địa ốc Cienco 5 là doanh nghiệp dự án.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội vừa thống nhất gia hạn thời gian thực hiện dự án đường trục phía Nam Hà Nội, định hướng thông tuyến vào 2025.
Đây cũng là một phần của “trục đường tâm linh” Mỹ Đình (Hà Nội) - Thị trấn Ba Sao (Kim Bảng - Hà Nam) - Bái Đính (Ninh Bình) với quy mô 91km.
Điểm đầu của đường trục phía Nam giao với đường Phúc La - Văn Phú (Kiến Hưng, Hà Đông), điểm cuối tiếp giao quốc lộ 1A - đoạn phía dưới cầu Giẽ (Châu Can, Phú Xuyên).
Dự án được chia làm hai giai đoạn với tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đầu tư được đối ứng bằng tiền sử dụng đất của 3 dự án: Khu đô thị Thanh Hà A (195,5ha), khu đô thị Thanh Hà B (193,22ha), Khu đô thị Mỹ Hưng (182ha).
Giai đoạn 1 của dự án dài 20km, được khởi công năm 2008 với trên 3.700 tỷ đồng và thông xe vào cuối năm 2018. Được coi là đường trục kết nối nội, ngoại thành dài nhất Thủ đô, đường chạy song song với các trục Tố Hữu, Quang Trung, Hà Đông, quốc lộ 6.
>> Vành đai 4 TP. HCM qua Bình Dương sẽ có hai trạm dừng chân
Trong 20km đường trục phía Nam được hoàn thiện, khoảng một nửa tuyến đường từ Hà Đông đến Thanh Oai có mỗi bên 4 làn xe và có hệ thống vỉa hè. Từ Thanh Oai đến Phú Xuyên, đường mỗi bên có 3 làn xe và không có vỉa hè.
Đến giai đoạn 2 của đường trục phía Nam, tuyến đường có chiều dài 21,6km. Giai đoạn 2 hiện chỉ được thi công đến đoạn giao với đường tỉnh 428 (khoảng 6km), sau đó từ đường tỉnh 428 đến hết địa bàn huyện Ứng Hòa, trục phía Nam chưa được triển khai xây dựng.
Được biết, UBND TP. Hà Nội vừa thống nhất gia hạn thời gian thực hiện dự án đường trục phía Nam Hà Nội, định hướng thông tuyến vào năm 2025.
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là tuyến đường quan trọng giúp giảm tải cho tuyến Quốc lộ 21, kết nối với Quốc lộ 1, liên thông với đường Vành đai 4, đường Lê Trọng Tấn, kết nối giao thông thuận lợi đi Hải Phòng, Quảng Ninh và đi các tỉnh phía Nam.
>> Cận cảnh tuyến đường 10 làn xe, là 'huyết mạch' kết nối 5 quận, huyện Hà Nội