Kết phiên 14/11, cổ phiếu STB tăng phiên thứ 2 liên tiếp lên mức 15.850 đồng bất chấp VN-Index giảm 13,4 điểm phiên này. Thanh khoản cuối phiên đạt gần 37 triệu đơn vị - dẫn đầu nhóm ngân hàng.
Tuần giao dịch từ ngày 7 - 11/11/2022, nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực với 23/27 mã kết tuần trong sắc đỏ qua đó gây áp lực chính đến sự lao dốc của các chỉ số.
Cổ phiếu EIB của Eximbank tiếp tục giảm sâu (-26%) xuống còn 24.150 đồng thị giá - mức thấp nhất trong 1 năm trở lại. Cũng trong diễn biến giảm điểm, cổ phiếu STB của Sacombank mất 6% giá trị và lùi về mức 15.600 đồng.
Mặc dù vậy, STB tiếp tục đứng đầu ngành về khối lượng giao dịch với 156 triệu cổ phiếu được giao dịch - tăng 27% so với tuần trước đồng thời cao gấp rưỡi mức 107 triệu đơn vị của VPB và SHB.
Xét về giá trị giao dịch, cổ phiếu STB cũng xếp ở vị trí đầu với mức 2.484 tỷ đồng - cao hơn mức 1.829 tỷ đồng của VPB.
Tuần qua, khối ngoại cũng đã mua ròng 79 tỷ đồng tại cổ phiếu STB trong đó riêng phiên cuối tuần, khối ngoại đã gom tới 395 tỷ đồng - tương ứng khối lượng hơn 25,3 triệu đơn vị.
Kết phiên 14/11, cổ phiếu STB tăng phiên thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,5% lên 15.850 đồng. Thanh khoản cuối phiên đạt gần 37 triệu đơn vị - xếp thức 2 nhóm VN30 sau HPG (hơn 60 triệu cổ phiếu) song cao nhất nhóm ngân hàng. Cùng với CTG, STB là 2 mã tăng duy nhất tại nhóm cổ phiếu bank trong phiên hôm nay.
Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục xuống tiền gom mạnh cổ phiếu STB phiên này với ghi nhận gom ròng gần 21,87 triệu cổ phiếu - tương ứng giá trị hơn 346 tỷ đồng.
Tính chung 2 phiên giao dịch gần nhất, khối ngoại đã mua vào tới hơn 47 triệu cổ phiếu STB - tương ứng giá trị 741 tỷ đồng.
Chưa rõ động thái mua vào của khối ngoại 2 phiên gần đây đến từ mục đích nào song quan sát đồ thị, hiện cổ phiếu STB đã rơi khỏi các đường SMA đồng thời đang có động thái test lị đường MA20 (ngưỡng 16.210 đòng) với thanh khoản đang tăng lên. Dù vậy, các đường MA20-50 đều đã cắt xuống đường MA100 hồi cuối tháng 9 - giữa tháng 10 vừa qua cho thấy tín hiệu kém sắc về cổ phiếu này trong ngắn hạn.
Trái ngược với diễn biến giá cổ phiếu, xét về tình hình kinh doanh, tính đến hết quý 3/2022, Sacombank báo lợi nhuận trước thuế đạt 4.440 tỷ đồng qua đó hoàn thành 84,1% kế hoạch năm.
Nhà băng này cũng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng tài sản đạt gần 564.200 tỷ đồng - tăng 8,3%; tổng huy động đạt 502.535 tỷ đồng - tăng 8,2%; dư nợ tín dụng đạt hơn 421.000 tỷ đồng - tăng 8,4% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,86%.
Tuy nhiên ở góc độ quản trị, thời gian qua, một số chi nhánh của ngân hàng này đã xảy ra các vấn đề liên quan đến vi phạm của cán bộ, nhân viên chi nhánh gây ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng và uy tín của ngân hàng này.
Mới đây, nhiều người dân, khách hàng đã tập trung tại Phòng giao dịch Sacombank - Chi nhánh Cam Ranh để tố cáo 3 cán bộ phòng giao dịch lợi dụng tín nhiệm của Sacombank có hoạt động vay và vỡ nợ.
Trước đó, đại diện lãnh đạo Sacombank Khánh Hoà cũng cho biết, ngân hàng này đã gửi đơn đề nghị Công an tỉnh Khánh Hoà khởi tố 3 cán bộ nói trên bao gồm 1 trưởng phòng và 2 phó phòng của Sacombank Cam Ranh đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan công an điều tra theo thẩm quyền.
Thông tin ban đầu, 3 cán bộ của Sacombank Cam Ranh trong quá trình công tác đã lợi dụng tín nhiệm ngân hàng vay vốn hàng trăm khách hàng và người dân. Sự việc vỡ lở khi những cán bộ ngân hàng này không có khả năng chi trả, khách hàng gửi đơn thư tố cáo. Tổng số tiền 3 cán bộ nói trên vay của hàng chục cá nhân và khách hàng lên tới hơn 100 tỷ đồng.
Thời gian qua, không ít cán bộ ngân hàng Sacombank đã lợi dụng vị trí công tác để thực hiện các hành vi vi phạm. Ngày 7/6/2022, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã xét xử Vũ Việt Cường (SN 1992, trú tại Hải Yên, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) - chuyên viên Sacombank - Phòng giao dịch Móng Cái. Lợi dụng chức vụ chuyên viên NH, Cường đã lập khống hồ sơ giải ngân vay vốn 4 hợp đồng của khách hàng, giả mạo chữ ký, chữ viết của khách hàng trên các giấy nhận nợ để chiếm đoạt tổng số tiền 4.550.000.000 đồng.
Trước đó, PC46 - công an TP. HCM cũng đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dẫn cùng cấp đề nghị truy tố Lê Thái Phong (tạm trú quận Bình Thạnh, TP. HCM) - nhân viên của Sacombank - Chi nhánh Điện Biên Phủ do đã tiến hành làm giả chứng từ, chữ ký và ăn cắp mật khẩu của giao dịch viên, thủ quỹ để chiếm đoạt 3 tỷ đồng.
Cũng tại TP. HCM, cơ quan công an cũng từng ra quyết định truy nã Nguyễn Hoàng Ngân (37 tuổi, Trưởng phòng giao dịch Bình Chánh chi nhánh Chợ Lớn - Ngân hàng Sacombank) về tội lợi dụng sơ hở của khách hàng đến vay tiền, làm khống các giấy tờ, chiếm đoạt của khách hàng hơn 4 tỷ đồng.
Trước đó - tháng 7/2020, Phòng cảnh sát kinh tế Công an Phú Thọ cũng bắt 3 cán bộ Sacombank tham gia đường dây mua bán hóa đơn. 3 cán bộ này đã cấu kết với nhóm mua bán hóa đơn, làm thủ tục thanh toán khống trên hệ thống Ngân hàng Sacombank từ 2018 - 2019 với doanh số gần 2.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng 60 tỷ đồng.
Sacombank (STB) chơi lớn: Tặng 6.000 vé máy bay thương gia và tiền vàng dịp sinh nhật 33 tuổi
Độc lạ cách mừng sinh nhật của Sacombank (STB): Tặng 6.000 vé máy bay, hàng trăm đồng tiền vàng SBJ