Đà tăng giá mạnh trong khi lợi nhuận chưa thể bắt kịp khiến định giá P/E của nhiều cổ phiếu bất động sản cao ngất ngưởng dẫn đến áp lực chốt lời từ các nhóm đầu tư.
Thống kê từ đầu năm 2021 đến nay cho thấy, khối ngoại đã rút 61.607 tỷ đồng (tương ứng 2,7 tỷ USD) khỏi thị trường chứng khoán - gấp 4 lần giá trị bán ròng năm 2020 (khoảng 15.210 tỷ đồng) và là con số kỷ lục từ trước đến nay.
Nếu xét từ khi vùng dịch COVID-19 năm 2020, khối ngoại đã bán ròng lên đến 77.000 tỷ đồng (tương ứng 3,3 tỷ USD). Đáng nói, đà bán ròng của khối ngoại tại thị trường Việt Nam cùng nằm trong xu thế rút ròng của khối ngoại diễn ra khắp các thị trường châu Á.
Xét theo ngành, nguyên vật liệu, thực phẩm đồ uống, ngân hàng và bất động sản là những ngành bị bán ròng mạnh trong năm 2021. Trong khi đó, bán lẻ, dầu khí, y tế, phần mềm và dịch vụ, thiết bị và phần cứng là những ngành thu hút được dòng vốn ngoại.
Với riêng nhóm bất động sản, thống kê từ đầu tháng 7/2021 trở lại đây, cổ phiếu VIC bị rút ròng hơn 71,3 triệu đơn vị - tương ứng giá trị ròng hơn 7.021 tỷ đồng; TCH bị bán ròng 56,8 triệu đơn vị; và NLG bị bán ròng 49,66 triệu đơn vị; NVL bị bán ròng 16,87 triệu cổ phiếu, KBC bị bán ròng 14,8 triệu đơn vị; CII bị bán ròng 13 triệu, VPH bán ròng 10,5 triệu; VGC bán ròng 9,6 triệu đơn vị….
Đây đều là các động thái chốt lời cổ phiếu nhóm này sau giai đoạn tăng giá. Cụ thể, cổ phiếu ngành bất động sản đã bật tăng mạnh mẽ trong nửa cuối quý IV/2021 với nhiều thông tin tích cực hơn như mặt bằng lãi suất vẫn duy trì mức thấp kích thích nhu cầu mua nhà, các gói kích thích kinh tế trong đó đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trong tương lai.
Theo báo cáo chiến lược về dòng tiền nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, có một vài trường hợp, việc bán ròng của khối ngoại có thể xem như là hoạt động tái phân bổ danh mục đầu tư khi các vị thế đã đạt đến những giới hạn tối đa trong danh mục đầu tư. Bên cạnh đó, một tỷ trọng đáng kể cũng có thể xem là hoạt động chốt lời đơn giản.
Giữa sự "tháo chạy" hàng chục nghìn tỷ đồng của khối ngoại, điểm sáng vẫn hiện diện trên một số cổ phiếu khi ghi nhận giá trị mua ròng.
Nhìn từ đầu tháng 12 trở lại đây, các cổ phiếu được mua ròng mạnh là VRE mua ròng 8,86 triệu đơn vị, ITA mua ròng 6 triệu đơn vị, DXS mua ròng 3,23 triệu đơn vị, DIG mua ròng 1,67 triệu đơn vị…
Nếu tính từ khoảng đầu tháng 7 trở lại đây, các cổ phiếu hút ròng mạnh vẫn là AGG, ITA, IJC và đặc biệt là DXS ngay từ khi mới niêm yết đã được khối ngoại âm thầm mua vào, ước tính lên đến 15 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại DXS hiện tại hơn 22% vốn DXS. Giá cổ phiếu DXS cũng có đà tăng ấn tượng lên đến 48% kể từ vùng giá đáy tháng 7 trong đó có sự góp sức khá tích cực từ động thái gom mua của khối ngoại.