Việc thị trường chứng khoán liên tục thiết lập các đỉnh lịch sử trong 2 năm qua đã dẫn đến xu hướng rút vốn mạnh của nhà đầu tư khối ngoại khi lũy kế bán ròng của nhóm này từ đầu năm 2021 đã cán mốc 60.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán tiếp tục biến động tích cực trong tháng 11. VN-Index có phiên đã vượt qua được ngưỡng 1.500 điểm song chỉ số này đã có sự điều chỉnh trở lại trước sự lo ngại về biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, VN-Index đứng ở mức 1.478,44 điểm - tăng 34,17 điểm (2,4%) so với cuối tháng trước. HNX-Index tăng 45,93 điểm (11,1%) lên 458,05 điểm. Tương tự, UpCOM-Index cũng tăng 8,872 điểm (8,3%) lên 114,1 điểm.
Giao dịch khối ngoại vẫn là điểm trừ của thị trường chứng khoán trong tháng 11 và ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư.
Cụ thể, tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 830 triệu cổ phiếu, trị giá 37.738 tỷ đồng trong khi bán ra hơn 1 tỷ cổ phiếu - trị giá 46.646 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 227 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng 8.908 tỷ đồng. Mức bán ròng này của khối ngoại lớn thứ 3 sau 11 tháng và chỉ đứng sau tháng 4 và 5.
Luỹ kế 11 tháng năm 2021, khối ngoại bán ròng gần 60.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với con số cùng kỳ năm 2020, bán ròng 15.000 tỷ đồng. Với lượng bán ròng này, Việt Nam trở thành thị trường bị bán ròng lớn nhất Đông Nam Á - bằng tổng lượng vốn rút ròng trên 2 thị trường Thái Lan và Malaysia cộng lại, dù quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.
Nguồn Vneconomy.vn
Mặc dù, khối ngoại bán ra liên tục trên thị trường chứng khoán, nhưng theo thống kê từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn đạt khoảng 50 tỷ USD, gần với mức đầu năm.
Theo quan điểm của ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng mạnh thời gian qua thứ nhất là do Việt Nam được xét là thị trường cận biên và đầu tư vào các thị trường cận biên đang kém hấp dẫn hơn. Vì vậy, nhiều nhà đầu nước ngoài phải bán khoản đầu tư tại đây dù thị trường có sự tiến bộ về nhiều mặt. Cùng với đó, Việt Nam chưa được xét vào các thị trường mới nổi nên mất khả năng để thu hút vốn ngoại. Thứ ba là ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và phản ứng dễ nhận thấy đó là khối ngoại sẽ rút tiền về nếu có sự cố xảy ra.
Trong khi đó ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận Đầu tư Vinacapital nhận định, khối ngoại sẽ quay trở lại Việt Nam nhưng quan trọng là cần có đầy đủ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của họ. Ông này hy vọng trong tương lai sẽ có một số sản phẩm phái sinh để cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia. Thứ hai, Việt Nam cần được nâng hạng từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi của MSCI.