Sau khoảng 1 tháng vượt lên trên các đường MA20 - 100, cổ phiếu VNN đã lần lượt rơi trở lại các đường MA20 - 50 và có nguy cơ cắt xuống đường giá MA100 quanh ngưỡng 76.1x đồng.
Kết phiên giao dịch ngày 14/12/2022, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk giảm 0,6% về mức 77.500 đồng qua đó nối dài chuỗi không tăng lên con số 7. Đây cũng là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của mã này kể từ mức 82.500 đồng ngày 7/12.
Đáng nói, trước khi bước vào nhịp điều chỉnh, cổ phiếu này đã ghi nhận nhịp tăng đáng kể từ mức 74.600 đồng (phiên 16/11) lên 85.000 đồng (phiên 5/12) - tương ứng mức tăng 14%. Rộng hơn, sau nhịp điểu chỉnh từ đỉnh 107.4x đồng hồi đầu năm 2021 về đáy 62.3x đồng phiên 15/6/2022, cổ phiếu VNM đã bước vào nhịp hồi phục với mức tăng hơn 36% (tính đến đầu tháng 12 vừa qua.
Diễn biến giá cổ phiếu VNM
Theo quan sát trong sóng hồi của cổ phiếu VNM, khối ngoại đã "túc tắc" gom trở lại cổ phiếu này kể từ đầu tháng 10/2022 cho tới nay trong đó liên tục mua mạnh trong 1 tháng gần nhất. Tổng khối lượng mua vào giai đoạn này đạt gần 23 triệu đơn vị - tương ứng giá trị khoảng 1.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 4 phiên gần nhất từ 9 - 14/12, cùng với nhịp điểu chỉnh trở lại của cổ phiếu Vinamlik, khối ngoại cũng bắt đầu các động thái xả hàng trong đó lực bán ra tăng mạnh theo từng phiên (từ mức 490.000 đơn vị lên gần 1,6 triệu đơn vị. Tổng giá trị bán ròng 4 phiên này ghi nhận ở mức gần 300 tỷ đồng.
Trong cùng thời điểm, khối lượng giao dịch cổ phiếu VNM/phiên cũng tăng mạnh từ 1,6 triệu đơn vị lên 3,52 triệu đơn vị. Đáng góp chủ đạo trong mức thanh khoản này chính là các diễn biến mua bán của khối ngoại.
Đơn cử như phiên 14/12, cổ phiếu VNM ghi nhận khớp lệnh đến cuối phiên gần 3,52 triệu đơn vị (chưa bao gồm 343.000 cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận). Trong số này, khối ngoại giao dịch tới 3,58 triệu cổ phiếu bao gồm 992.000 bán ra và 2,59 triệu cổ phiếu được mua vào.
Theo quan sát đồ thị, sau khoảng 1 tháng vượt lên trên các đường MA20 - 100, cổ phiếu VNN đã lần lượt rơi trở lại các đường MA20 - 50 và có nguy cơ cắt xuống đường giá MA100 quanh ngưỡng 76.1x đồng trước lực chốt lời vùng giá đỉnh (trung hạn) từ các nhóm đầu tư - đặc biệt là khối ngoại.
Nhà đầu tư cần chú ý quan sát các diễn biến giá cổ phiếu quanh đường MA100 như đã nêu để ra quyết định mua bán phù hợp.
Thận trọng sự thoái lui của dòng tiền ngoại "bí ẩn"
Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, trong động thái mua ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài trong hơn 1 tháng trở lại đây, chiếm phần lớn giá trị mua ròng của nhóm này là dòng tiền P-Notes - một loại công cụ tài chính phái sinh được gọi là chứng chỉ tham gia đầu tư (Participatory Notes).
"Đặc điểm không lẫn vào đâu được trong cách giao dịch của P-Notes là tấn công cực mạnh, các cổ phiếu hầu như kéo thẳng tắp không có nhịp chỉnh và gần như không có cơ hội cho nhà đầu tư chậm chân có thể mua.
Theo theo chuyên gia chứng khoán Huỳnh Minh Tuấn - người sáng lập CTCP FIDT, dòng vốn P-Notes có tính đầu cơ rất cao, vào rất nhanh và ra cũng rất nhanh nên đến khi bán ròng thì cũng cực kì "rát"; thời gian mua mạnh nhất của P-Notes thường kéo dài khoảng 1,5 - 2 tháng. Sự nhập cuộc này sẽ tác động mạnh đến giá cổ phiếu ở cả chiều mua vào và bán ra nên rất khó dự báo.
Với cơ chế chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa và thanh khoản lớn, có ảnh hưởng mạnh đến các chỉ số vào thời điểm mua thì một số mã được khối ngoại mua ròng mạnh thời gian qua như HPG, VIC, VHM, MSN, CTG, VNM, SSI, VRE gần như chắc chắn có trong danh mục của P-Notes.
Chuyên gia nhấn mạnh, các cổ phiếu sau khi đạt đỉnh thường không rơi ngay mà sẽ có một đoạn co giật và rung lắc cực mạnh ở vùng đỉnh, đây có thể là đoạn phân phối hàng.
"Hiện tại dòng vốn này có thể đã vào đâu đó khoảng 2 tuần và theo dự đoán chủ quan, dòng vốn này sẽ còn kéo dài đến giữa tháng 12 và cuối tháng 12", ông Tuấn nhận định.
Nếu khả năng trên thực sự diễn ra, không ngoại trừ khả năng nhịp tăng của loạt cổ phiếu trụ có thể sẽ sớm kết thúc trong năm 2022 và rủi ro có thể xuất hiện với các nhà đầu tư nhập cuộc "chậm chân"... Tất nhiên, VNM cũng không ngoại lệ.