Khởi tố 2 công ty đòi nợ tại TPHCM: Mỗi nhân viên khủng bố con nợ gần 3.000 cuộc gọi/tháng

16-03-2023 05:29|Trí Tân

Các nhân viên 2 công ty này đòi nợ bằng cách gọi điện khủng bố, gửi văn bản thu hồi nợ đến người thân, gia đình con nợ…

Ngày 15/3, Công an quận Tân Bình, TPHCM, đã khởi tố 14 người về tội Cưỡng đoạt tài sản liên quan CTCP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng và chi nhánh Công ty TNHH Luật Thế Hệ Trẻ.

Trước đó, Công an TPHCM tiếp nhận nhiều tố giác, tin báo tội phạm của người dân về việc bị các nhóm người tự xưng là nhân viên thu hồi nợ liên tục gọi điện thoại, gửi thông tin, hình ảnh với nội dung mang tính chất khủng bố, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự lên mạng xã hội hoặc gửi đến người thân, nơi làm việc nhằm gây sức ép, đe dọa về mặt tinh thần, tạo tâm lý hoang mang, lo sợ, buộc phải nộp tiền theo yêu cầu của nhóm này.

Trước tình hình trên, Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận Tân Bình phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) xác minh làm rõ.

Đến nay, cơ quan điều tra xác định địa điểm kinh doanh số 1 - CTCP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng (ở phường 1, quận Tân Bình) và chi nhánh Công ty TNHH Luật Thế Hệ Trẻ (phường 15, quận Tân Bình) đã tổ chức bộ phận thu hồi nợ, tuyển dụng nhiều nhân viên để thực hiện hoạt động thu hồi nợ với các phương thức, thủ đoạn như phân công nhiệm vụ cụ thể cho nhân viên theo từng cấp bậc.

cong-ty-doi-no-thue-tphcm.jpg
Công an khám xét công ty đòi nợ trái pháp luật. Ảnh: Công an cung cấp.

Đồng thời áp đặt chỉ tiêu doanh số thu hồi nợ, chi thưởng hoa hồng theo lũy tiến trên tổng số tiền nợ thu hồi. Từ đó, nhân viên đã thực hiện các hoạt động đòi nợ trái pháp luật bằng thủ đoạn đe dọa, vu khống dưới nhiều hình thức khác nhau.

Việc khủng bố, đòi nợ như trên được thực hiện rất chuyên nghiệp, bởi phần lớn nhân viên có bề dày kinh nghiệm, do trước đây từng làm việc tại các công ty tài chính. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận mỗi tháng, một nhân viên trung bình thực hiện từ 2.500-3.000 cuộc gọi khủng bố, hăm dọa với tổng cộng số tiền đòi được từ 2-3 tỷ đồng.

Với tần suất đòi nợ như trên, mỗi tháng có hơn 100 người phải trả tiền nợ và lãi suất cho nhóm đòi nợ thuê này. Mỗi khi đòi nợ thành công, số tiền mà công ty này được hưởng từ đơn vị "bán nợ" lên đến 86%. Như vậy, chủ nợ chỉ nhận 14% còn lại. Chính vì khoản lợi nhuận quá lớn mà lãnh đạo công ty đòi nợ thuê này chỉ đạo nhân viên ráo riết khủng bố nạn nhân, với tần suất và mức độ dày đặc.

Trường hợp gọi điện thoại khủng bố đòi nợ nạn nhân và người thân không được, công ty sẽ gửi văn bản đòi nợ đến tận nhà hoặc cơ quan nơi nạn nhân làm việc.

Những trường hợp nạn nhân không có tiền, nhân viên công ty sẽ lấy thông tin khách hàng từ ngân hàng, sau đó tiếp tục o ép, đe dọa. Thậm chí hù sẽ khởi kiện ra tòa hoặc, khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và có khả năng đi tù.

cong-ty-doi-no-thue.jpg
Mỗi nhân viên trung bình thực hiện từ 2.500-3.000 cuộc gọi/tháng để khủng bố khách hàng.
Ảnh: Công an cung cấp.

Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, đến nay Cơ quan điều tra Công an quận Tân Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 người về tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bên cạnh đó, Công an TP đề nghị người dân là nạn nhân của các đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản “núp bóng” hoạt động thu hồi nợ, tích cực tố giác tội phạm, hợp tác Cơ quan Công an để xử lý triệt để loại tội phạm này theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nào có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt như sau:
* Khung 1: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
* Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tái phạm nguy hiểm.
* Khung 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
* Khung 4: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

* Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội cưỡng đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Thư viện Pháp luật.

Truy nã Chủ tịch công ty đòi nợ thuê kiểu khủng bố: Đe doạ, ghép ảnh bôi nhọ trên Facebook

Chế ảnh đồi trụy để đòi nợ khách hàng nợ quá 180 ngày, 13 đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khoi-to-2-cong-ty-doi-no-tai-tphcm-moi-nhan-vien-khung-bo-con-no-gan-3000-cuoc-goithang-173773.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Khởi tố 2 công ty đòi nợ tại TPHCM: Mỗi nhân viên khủng bố con nợ gần 3.000 cuộc gọi/tháng
POWERED BY ONECMS & INTECH