Như chúng tôi đã đưa tin, thời gian qua và sắp tới, hàng nghìn tỷ đồng tiền tươi thóc thật bắt đáy cổ phiếu sẽ đổ bộ thị trường chứng khoán. Một nguồn tiền "khủng" khác cũng đang đến!
Thị trường chứng khoán giai đoạn nửa năm gần đây khiến nhiều người lo ngại. Đà lao dốc của thị trường chứng khoán khiến rất nhiều nhà đầu tư chìm trong thua lỗ. Và, điều giới đầu tư lo ngại lúc này là vấn đề thanh khoản trên thị trường chứng khoán mất hút. Giới đầu tư cũng lo ngại không có nhiều nguồn tiền để "đỡ" thị trường đang lao dốc không phanh dù hàng loạt cổ phiếu đã trở nên rất rẻ. Tuy nhiên, số liệu thống kê của chúng tôi cho thấy: Thời gian gần đây và thời gian tới đây, nguồn tiền "khủng" đã và đang đổ bộ thị trường chứng khoán!
Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, rất nhiều ông chủ doanh nghiệp đã mạnh tay chi tiền mua cổ phiếu công ty mình khi giá xuống sâu. "Hot" nhất có thể kể đến là trường hợp Ông Bùi Quang Anh Vũ, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) vừa đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu PDR với mục đích đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện theo khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ ngày 24/11 - 23/12. Việc mua vào lượng lớn cổ phiếu PDR diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu đã giảm rất sâu và điều quan trọng hơn là một lượng tiền mới từ ông Vũ có thể sẽ đổ vào thị trường chứng khoán giúp thanh khoản cải thiện.
Trước đó, rất nhiều ông chủ doanh nghiệp khác như Hoá Chất Đức Giang (mã chứng khoán: DGC), sự vào cuộc của ông chủ Thế giới di động (mã chứng khoán: MWG) cũng tạo ra niềm hứng khởi cho nhà đầu tư. Riêng nhóm cổ phiếu bất động sản, trừ những lãnh đạo doanh nghiệp trước đây thế chấp cổ phiếu vay vốn và bây giờ bị "force sell" thì hầu như đã vào cuộc mua gom cổ phiếu doanh nghiệp mình. Thậm chí, những tổ chức, quỹ đầu tư đã nhập cuộc mua gom cổ phiếu. Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, để mua lượng cổ phiếu như gần đây đăng ký, các lãnh đạo doanh nghiệp, quỹ đầu tư...sẽ đổ hàng nghìn tỷ đồng tiền tươi thóc thật vào thị trường chứng khoán. Ví dụ:
CTCP Địa ốc First Real (FIR): Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, đăng ký mua 500.000 cổ phiếu. Trước giao dịch ông Tuấn sở hữu 6.037.727 cổ phiếu (tỷ lệ 13,53%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ 21/11 đến 20/12/2022.
CTCP Camimex Group (CMX): Bà Vũ Thị Bích Ngọc, nhà đầu tư, đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch bà Ngọc sở hữu 3.630.000 cổ phiếu (tỷ lệ 3,56%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ 18/11 đến 17/12/2022.
CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS): Ông Võ Thành Đàng, Tổng Giám đốc, đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch ông Võ Thành Đàng sở hữu 25.509.248 cổ phiếu (tỷ lệ 7,15%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ 17/11 đến 16/12/2022.
CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG): Ông Trần Huy Thanh Tùng, Tổng Giám đốc, đã mua 500.000 cổ phiếu, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên 11.130.544 cổ phiếu (tỷ lệ 0,76%). Giao dịch thực hiện từ 11/11 đến 14/11/2022.
CTCP Thép Nam Kim (NKG): Bà Trần Ngọc Diệu, Phó Tổng Giám đốc, đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch ông Diệu sở hữu 432.828 cổ phiếu (tỷ lệ 0,164%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ 18/11 đến 17/12/2022.
CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (DGC): Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT DGC, đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch ông Huyền sở hữu 68.794.354 cổ phiếu (tỷ lệ 18,11%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ 17/11 đến 16/12/2022.
CTCP Đầu tư Nam Long (NLG): Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT, đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch ông Quang sở hữu 46.452.851 cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 18/11 đến 17/12/2022.
Cũng liên quan đến cổ phiếu NLG, ông Nguyễn Nam, con trai ông Nguyễn Xuân Quang, đăng ký mua 1,7 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch ông Nam sở hữu 683.911 cổ phiếu. Ông Nguyễn Hiệp, con trai ông Nguyễn Xuân Quang, đăng ký mua 1,7 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch ông Hiệp sở hữu 1.341.153 cổ phiếu (tỷ lệ 0,35%). Công ty TNHH Đầu tư Tân Hiệp đăng ký mua 500.000 cổ phiếu. Trước giao dịch công ty Tân Hiệp sở hữu 2.200.857 cổ phiếu.
CTCP Hưng Thịnh Incons (HTN): Bà Trần Thực Oanh, nhà đầu tư cá nhân, đã mua 1.235.183 cổ phiếu, nâng lượng sở hữu từ 3.459.009 cổ phiếu (tỷ lệ 3,88%) lên 4.694.192 cổ phiếu (tỷ lệ 5,27%) và trở thành cổ đông lớn. Giao dịch thực hiện ngày 9/11/2022.
CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An (HAH): Ông Trần Quang Tiến, Thành viên HĐQT, đăng ký mua 500.000 cổ phiếu. Trước giao dịch ông Tiến sở hữu 717.200 cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 18/11 đến 16/12/2022.
CTCP Nhựa An Phát Xanh (AAA): CTCP Tập đoàn An Phát Holdings đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch An phát Holdings sở hữu 199.787.394 cổ phiếu (tỷ lệ 52,26%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ 21/11 đến 20/12/2022.
Cũng liên quan đến cổ phiếu AAA, cùng thời gian, bà Nguyễn Thị Tiện, Thành viên HĐQT, đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch bà Tiện không sở hữu cổ phiếu nào. Bà Hoà Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc, đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch bà Hoà không sở hữu cổ phiếu nào.
CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (APH): Ông Phạm Đỗ Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc, đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch ông Cường sở hữu 125.000 cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 21/11 đến 20/12/2022.
Không chỉ các ông chủ doanh nghiệp, các quỹ đầu tư/ tổ chức lớn cũng đã mạnh tay mua vào. Ví dụ như mới đây, Norges Bank, Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity] đã mua lượng lớn cổ phiếu DPM. Nhóm DC cũng mua vào lượng lớn cổ phiếu DGC của Hoá Chất Đức Giang. Amersham Industries Limited đã mua lượng lớn cổ phiếu KDH của Khang Điền. Hanoi Investments, Norges Bank mua vào VHC của Vĩnh Hoàn. Vietnam Equity Fund, Norges Bank mua thêm cổ phiếu PVD của PVDrilling...
Thực tế, các ông chủ doanh nghiệp, các tổ chức/quỹ đầu tư lớn là những người am hiểu doanh nghiệp nhất. Thông thường, họ mua vào lượng lớn khi những người không hiểu sâu giá trị doanh nghiệp định giá giá trị doanh nghiệp quá thấp. Việc mua vào cổ phiếu của các ông chủ doanh nghiệp cũng là nỗ lực của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc bảo vệ doanh nghiệp họ trước nguy cơ bị M&A giá rẻ.
Đối với những quỹ đầu tư, họ sẽ không quá quan tâm đến diễn biến ngắn hạn của thị trường. Khi định giá một doanh nghiệp về mức hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh P/B nhỏ hơn 1 thì họ sẽ gom mua và đầu tư vào chu kỳ dài hơi với kỳ vọng sau này khi thị trường "bình tĩnh" lại thì giá cổ phiếu sẽ hồi phục nhanh trở về giá trị thực.
Quan trọng hơn hết, khi lãnh đạo doanh nghiệp, quỹ đầu tư...đồng loạt hành động, gom mua cổ phiếu thì sẽ góp phần giúp chặn đứng đà rơi của cổ phiếu. Đồng thời, một lượng lớn "tiền tươi thóc thật" sẽ được đưa vào thị trường chứng khoán giúp cải thiện thanh khoản thị trường.
Nhìn lại thị trường chứng khoán thời gian qua thì điều dễ nhận thấy là các công ty chứng khoán cũng bị bất ngờ. Thị trường chứng khoán xấu đi nhanh và giảm sâu hơn so với suy tính của nhiều công ty chứng khoán khiến khối tự doanh công ty chứng khoán cũng bị thua lỗ sâu.
Tuy nhiên, sau chu kỳ dài "gồng" lỗ, cắt lỗ, khối tự doanh công ty chứng khoán đã cấp tập gom mua cổ phiếu vào tuần trước khi VnIndex "thủng" mốc 900 điểm. Đây là mức điểm khiến nhiều cổ phiếu về vùng định giá rẻ hơn giá trị thực rất nhiều.
Chính vì thế, tự doanh công ty chứng khoán cấp tập gom mua cổ phiếu để tạo mức giá bình quân thấp hơn trước đây. Cá biệt như phiên thứ 5 tuần trước (17/11/2022), khối tự doanh công ty chứng khoán tranh thủ mua gom 22,7 triệu cổ phiếu trong khi chỉ có gần 2,78 triệu cổ phiếu được bán ra.
Đáng chú ý nhất là dòng tiền từ khối ngoại. Trong phiên thị trường chứng khoán đạt kỷ lục hơn 1 tỷ cổ phiếu được giao dịch thì khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị mua ròng lên đến 660 tỷ đồng. Tổng khối lượng cổ phiếu khối ngoại mua vào đạt gần 111 triệu trong khi bán ra hơn 66,9 triệu cổ phiếu. HPG vẫn là cổ phiếu đứng đầu trong danh sách mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài.
Không chỉ tiền từ gom mua cổ phiếu của các tổ chức, cá nhân, thị trường chứng khoán đã và đang đón nguồn tiền rất khủng: Tiền chi trả cổ tức bằng tiền của các doanh nghiệp.
Thông thường, doanh nghiệp sau một chu kỳ kinh doanh sẽ trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Khá nhiều doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền. Lượng tiền này sẽ đổ thẳng vào tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư. Thông thường, nhà đầu tư khi nhận tiền cổ tức sẽ tái đầu tư một phần thậm chí là phần lớn khoản tiền nhận được.
Theo thống kê của chúng tôi, từ đầu tháng 11 đến nay, thị trường chứng khoán đã đón nhận hàng nghìn tỷ đồng cổ tức bằng tiền của các doanh nghiệp. Những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12, tiền cổ tức lại ồ ạt đổ về tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư. Đáng chú ý nhất phải kể đến như trường hợp của Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex-mã chứng khoán: PLX) sắp tới đây sẽ rót 1.531 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. PLX là một trong những cổ phiếu "quốc dân" nên lượng tiền cổ tức này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường chứng khoán.
Ngay hôm nay (22/11/2022), Công ty phát triển điện lực Việt Nam (VPD) cũng rót hơn 100 tỷ đồng trả cổ tức cho nhà đầu tư đã chốt quyền hồi tháng 10. Sau đó ít ngày, Hưng Thịnh Incons (HTN) cũng sẽ trả cổ tức hơn 100 tỷ đồng cho cổ đông.
Đáng chú ý nhất là khoản tiền Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) sẽ rót gần 6.000 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông vào tháng 11!
Sau một thời gian dài gánh chịu thua lỗ, mất mát vì biến động thất thường của thị trường chứng khoán, lòng tin của nhà đầu tư đương nhiên sẽ bị lung lay. Tuy nhiên, trong lịch sử thị trường chứng khoán đã không ít lần xảy ra trạng thái: Khi chúng ta mất niềm tin nhất lại là khi thị trường chứng khoán mang lại lợi nhuận kếch xù cho những người ở lại.
Sẽ không thể biết 3 luồng tiền lớn nêu trên có đủ sức khiến thị trường chứng khoán một lần nữa lại xứng đáng để nhà đầu tư đặt niềm tin, đặt tiền của và công sức vào hay không, nhưng, từ những con số thống kê, nhà đầu tư sẽ có thêm cơ sở để đưa ra lựa chọn cho riêng mình!
Giao dịch gần 700 tỷ đồng sắp được CII thực hiện có gì đáng chú ý?
VN-Index vùng 1.270-1.280 điểm: Dòng tiền lớn giữ giá để gom hàng?