Không nộp thuế VAT khiến doanh nghiệp phân bón thiệt đơn, thiệt kép
Các chuyên gia và doanh nghiệp khẳng định việc đưa doanh nghiệp phân bón vào diện chịu thuế VAT sẽ khiến giá thành mặt hàng phân bón giảm. Việc mặt hàng phân bón không chịu thuế VAT như thời gian qua đã khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn.
Không chịu thuế nên giá phân bón cao hơn
Dự thảoLuật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10/2024).
Tại dự thảo này, phân bón được đề xuất chuyển từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (được quy định tại Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế) sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (thuế VAT), với thuế suất 5%.
Doanh nghiệp mong muốn được áp thuế VAT. |
Đáng chú ý, với đề xuất để doanh nghiệp chịu thuế, đa số các ý kiến đều bày tỏ sự ủng hộ bởi trên thực tế với một số ngành sản xuất, việc chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) thấp ở mức độ vừa phải có lợi hơn rất nhiều so với đối tượng không chịu thuế.
Nguyên nhân là khi không chịu thuế VAT doanh nghiệp cũng không được kê khai, khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất (VAT đầu vào), gồm đầu tư, mua sắm tài sản cố định. Trong khi đó, các chi phí đầu vào đang chịu thuế VAT 7 - 8% nên nếu áp mức VAT đầu ra 5% doanh nghiệp sản xuất phân bón lại được khấu trừ 7 - 8% đầu vào kia sẽ được lợi hơn.
Việc có khoản chêch lệch giảm trừ ở VAT đầu vào ở mức 7 - 8% và đầu ra giúp chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm từ 2 - 3%, từ đó có cơ sở giá bán thấp hơn tăng sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế cho biết, trước đây khi áp dụng Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, phân bón là đối tượng chịu thuế VAT 5%.
Tuy nhiên, Luật số 71 ban hành ngày 26/11/2014 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế VAT kể từ ngày 1/1/2015. Từ đó, ngành phân bón gặp khó khăn hơn cả khi chịu thuế VAT.
"Năm 2014 không có số liệu để minh chứng chịu thuế 5% sẽ tốt hơn 0%. Nhưng thực tế 10 năm qua đã chứng minh nếu áp thuế 5%, các doanh nghiệp phân bón có cơ hội giảm giá cho bà con, ra điều kiện hạ giá cho bà con để chứng minh", ông Phụng nói.
Theo ông, cần phải giải thích cho nông dân áp dụng thuế VAT 5% là người dân hưởng lợi chứ không phải giá phân sẽ tăng lên 5% vì giá đầu vào đã được khấu trừ không có lý gì giá bán ra tăng.
Bên cạnh đó, khi không chịu thuế, chi phí sản xuất phân bón nội địa cao hơn dẫn đến giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng gây bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu .
Mỗi năm ngành nông nghiệp tiêu thụ 11-12 triệu tấn phân bón, trong đó các sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài họ chịu thuế VAT nên được khấu trừ và giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước. Cho nên doanh nghiệp nội địa và người nông dân "thiệt đơn thiệt kép", ông Phụng nói.
>>Thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết giảm thuế GTGT hết năm 2024
Doanh nghiệp lo cạnh tranh không bình đẳng
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc CTCP DAP –Vinachem cũng cho hay là một trong hai đơn vị sản xuất DAP tại Việt Nam, toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành sản xuất, hàng năm tính vào khoảng 7 - 8% chi phí sản xuất tăng thêm, ước tính mỗi năm mất khoảng 100 tỷ đồng. 10 năm nay thì luỹ kế lên tới con số hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Trung phân tích, khi giá thành sản xuất tăng, mà giá bán trên thị trường không điều chỉnh được, vì có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Doanh nghiệp lo cạnh tranh không bình đẳng. |
Phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế, có điều kiện để giảm giá bán và trong nước, hàng sản xuất lại bị tăng giá thành, nên ngành sản xuất phân bón trong nước thời gian qua không làm chủ được thị trường, không chi phối được thị trường, phải theo luật chơi của phân bón nhập khẩu.
"Phân bón nhập khẩu hình thành mặt bằng chung cho giá trên thị trường, chúng tôi bắt buộc phải chấp nhận theo. Giá thành tăng lên nhưng giá bán không thể điều chỉnh theo. Đó là khó khăn lớn nhất cho công ty, cũng là nguyên nhân khiến sản xuất – kinh doanh sụt giảm", ông Trung nói.
Theo ông, một thiệt hại lớn hơn là trong 10 năm qua, doanh nghiệp vừa chịu cạnh tranh vừa chịu tác động của Luật thuế 71 dẫn tới không muốn đầu tư nâng cấp nhà máy vì không được hoàn thuế đầu vào.Ttrong 10 năm qua, ở Việt Nam, không nhiều doanh nghiệp phân bón đầu tư các dự án lớn.
"Việc thiếu vắng các dự án lớn đầu tư lớn vào ngành phân bón trong thời gian qua làm hạn chế sự phát triển, không thúc đẩy sản xuất, làm cho doanh nghiệp không có động lực để tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cao quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm, dẫn tới bà con nông dân cũng thiệt hại khi không được sử dụng sản phẩm tốt hơn", vị lãnh đạo DAP –Vinachem cho hay.
Một doanh nghiệp phân bón sắp trả cổ tức bằng tiền, Vinachem 'bội thu'
10 năm phân bón không được áp thuế GTGT: Doanh nghiệp mất hàng nghìn tỷ đồng, nông dân khốn khó