Không phải Elon Musk, huyền thoại Warren Buffett mới là người giàu nhất thế giới?
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã trao tặng lượng cổ phiếu Berkshire Hathaway trị giá hàng chục tỷ USD trong suốt hai thập kỷ qua – một phần trong cam kết hiến tặng 99,5% tài sản của ông cho các hoạt động từ thiện.
Để thấy rõ mức độ thành công mà Warren Buffett đạt được trong hơn 60 năm dẫn dắt Berkshire Hathaway, giới phân tích cho biết ngay cả khối tài sản trị giá 167 tỷ USD hiện tại cũng chưa phản ánh hết tầm ảnh hưởng và sự giàu có mà ông từng sở hữu.
Kể từ năm 2006, Buffett – năm nay 94 tuổi – đã trao tặng lượng cổ phiếu Berkshire trị giá hơn 60 tỷ USD tại thời điểm quyên góp. Giới phân tích ước tính nếu giữ lại số cổ phiếu đó đến nay, giá trị hiện tại có thể lên tới khoảng 230 tỷ USD.
Nói cách khác, nếu “nhà hiền triết xứ Omaha” không cho đi khối tài sản khổng lồ ấy, ông sẽ có tổng tài sản gần 400 tỷ USD tính đến ngày 30/4 – cao hơn 67 tỷ USD so với Elon Musk, người hiện giữ ngôi vị giàu nhất thế giới.
Seth Klarman, CEO quỹ phòng hộ Baupost Group, chia sẻ: “Warren đã chứng minh bằng cả lời nói lẫn hành động về cách sống có ý nghĩa và trọn vẹn”.

Dù từ lâu tuyên bố sẽ để lại toàn bộ tài sản cho hoạt động từ thiện sau khi qua đời, Buffett từng quyên góp khá khiêm tốn trong phần lớn sự nghiệp – chủ yếu thông qua một quỹ do ông thành lập từ những năm 1960, sau này được đặt theo tên người vợ quá cố Susan.
Tuy nhiên, bước ngoặt xảy ra vào năm 2006 khi ông công bố kế hoạch hiến tặng 85% tài sản – khi đó trị giá khoảng 44 tỷ USD – bắt đầu ngay lập tức.
Phần lớn khoản quyên góp, dưới hình thức cổ phiếu Berkshire, được chuyển đến Quỹ Bill & Melinda Gates. Phần còn lại được phân bổ cho 4 tổ chức do ông và 3 người con điều hành.
“Tôi biết mình muốn làm gì”, ông nói với tạp chí Fortune thời điểm đó, “và chẳng có lý do gì để chần chừ”.
Cam kết cho đi
Trong gần 20 năm qua, Buffett duy trì việc quyên góp cổ phiếu theo định kỳ. Năm 2010, ông cùng Bill và Melinda French Gates sáng lập cam kết “Giving Pledge”, kêu gọi giới siêu giàu hiến tặng ít nhất một nửa tài sản cho hoạt động thiện nguyện.
Những tỷ phú hưởng ứng sáng kiến này có cả Elon Musk, Mark Zuckerberg và Larry Ellison – người viết trong tuyên bố tham gia rằng “Warren Buffett đích thân yêu cầu tôi viết lá thư này”.
Khi thành lập “Giving Pledge”, Buffett đã nâng mức cam kết lên một tầm cao hơn: cho đi hơn 99% tài sản trong suốt cuộc đời hoặc sau khi qua đời. Trong một lá thư, ông viết: “Gia đình tôi và tôi sẽ không phải từ bỏ điều gì cần thiết hay mong muốn khi thực hiện cam kết này. Nếu chúng tôi dùng hơn 1% cổ phần (Berkshire) cho bản thân, thì hạnh phúc hay sự thịnh vượng của chúng tôi cũng chẳng vì thế mà tăng thêm. Ngược lại, 99% còn lại có thể tạo ra tác động to lớn đến cuộc sống và sức khỏe của người khác”.

Năm ngoái, Buffett tiết lộ chi tiết hơn về kế hoạch phân chia tài sản sau khi ông qua đời. Ba người con của ông – Howard, Peter và Susie – sẽ chịu trách nhiệm quyên góp phần tài sản còn lại, với điều kiện cả ba phải thống nhất hoàn toàn trong mọi quyết định.
Ông cũng xác nhận Quỹ Gates – nơi ông rút khỏi hội đồng quản trị năm 2021 – sẽ không còn nhận tài trợ sau khi ông mất. Tuần trước, Bill Gates thông báo kế hoạch tăng gấp đôi quy mô tài trợ của quỹ và giải thể tổ chức này vào năm 2045.
Từ cậu bé bán báo đến đỉnh cao tài chính thế giới
Là con trai một chính trị gia, Buffett từng đi giao báo và bán kẹo khi còn nhỏ để nuôi dưỡng niềm đam mê với đầu tư. Ông theo học cao học tại Đại học Columbia dưới sự hướng dẫn của nhà kinh tế Ben Graham – người được mệnh danh là cha đẻ của trường phái đầu tư giá trị.
Buffett bắt đầu mua cổ phiếu của Berkshire Hathaway – khi đó là một công ty dệt may – vào năm 1962, rồi biến nó thành công cụ để thực hiện các thương vụ mua lại giá hời. Chiến lược đầu tư của ông giúp giá cổ phiếu tăng phi mã, mang lại tỷ suất lợi nhuận hơn 5.500.000%. Ông từng trở thành người giàu nhất thế giới trong thời gian ngắn năm 2008.
Hơn 99,5% tài sản của ông hiện vẫn gắn liền với cổ phiếu Berkshire, theo thư gửi cổ đông năm 2024.
Chưa rõ ông sẽ để lại bao nhiêu tài sản “không dành cho từ thiện” cho các con. Vợ ông, bà Susan, đã để lại cho mỗi người con 10 triệu USD trong di chúc khi bà qua đời vào năm 2004 – món quà lớn đầu tiên mà họ từng nhận. Được biết Buffett từng gọi khái niệm thừa kế tài sản khổng lồ là “kẻ thù của chế độ trọng dụng nhân tài”.
“Những khoản thừa kế đó phản ánh niềm tin của chúng tôi rằng các bậc cha mẹ giàu có nên để lại cho con cái đủ tiền để chúng có thể làm mọi điều, nhưng không quá nhiều để rồi chẳng làm gì cả”, ông viết trong thư cổ đông – một triết lý ông đã lặp đi lặp lại suốt gần 40 năm qua.
>> Bước chuyển giao lịch sử, Warren Buffett chính thức tiết lộ lý do quyết định từ chức