Không vì gom đất, chấp nhận 98% khả năng thua lỗ, Vingroup xin làm đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD để đổi lấy điều gì?
VinSpeed - doanh nghiệp thuộc Vingroup đề xuất thay Nhà nước đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam trị giá 67 tỷ USD với cam kết rút ngắn tiến độ, chấp nhận rủi ro thua lỗ, nhưng khẳng định không làm vì đất.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư khoảng 67 tỷ USD đã được Quốc hội thông qua, với Nhà nước làm chủ đầu tư và thực hiện theo hình thức đầu tư công. Tuy nhiên, VinSpeed - doanh nghiệp mới thành lập thuộc Vingroup và gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ đề xuất được thực hiện theo hình thức doanh nghiệp tư nhân đầu tư trực tiếp.
Cùng với đề xuất chuyển từ Nhà nước sang tư nhân, VinSpeed cam kết hoàn thiện dự án trong vòng 5 năm (hoàn thành vào năm 2030), thay vì 10 năm theo phương án hiện tại. Đồng thời, tổng vốn đầu tư rút xuống còn khoảng 61 tỷ USD, không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, Nhà nước cần cho vay hơn 49 tỷ USD (tương đương 80% tổng vốn đầu tư) với lãi suất 0% trong vòng 35 năm; phần còn lại hơn 12 tỷ USD, phía VinSpeed sẽ tự thu xếp. Đáng chú ý, vốn điều lệ hiện tại của doanh nghiệp chỉ ở mức 6.000 tỷ đồng (khoảng 230 triệu USD), tương đương chưa đầy 0,4% tổng mức đầu tư dự án.
Về quyền lợi, VinSpeed đề xuất được khai thác quỹ đất phụ cận các ga tàu để phát triển khu đô thị và dự án bất động sản. Đề xuất này đang thu hút nhiều sự chú ý.
![]() |
Ảnh minh họa |
Mục đích không vì gom đất
Trả lời VnExpress mới đây, bà Đào Thụy Vân - Phó Tổng Giám đốc VinSpeed khẳng định, nếu chỉ để gom đất, doanh nghiệp sẽ không “dấn thân vào một dự án chắc chắn lỗ, thậm chí lỗ nhiều thập kỷ”. Bởi hai nơi có giá trị và tiềm năng cao nhất là Hà Nội và TP. HCM hiện đều không còn dư địa để phát triển bất động sản. Trong khi đó, các ga tàu chủ yếu đặt tại vùng ven, xa trung tâm tỉnh, thành hoàn toàn không phải đất vàng; thậm chí, theo bà Vân, chỉ là đất ruộng, ít giá trị.
Mặt khác, chủ trương khai thác quỹ đất và giá trị gia tăng từ các khu vực phụ cận ga đường sắt cao tốc đã được nêu rõ trong Nghị quyết 172 nhằm góp phần cân đối nguồn vốn đầu tư cho dự án.
Về mục tiêu, lãnh đạo VinSpeed nhấn mạnh Vingroup xác định đây là “dự án cống hiến trong vài thập kỷ tới”.
Liên quan đến đề xuất vay 49 tỷ USD không lãi suất trong 35 năm, bà Vân cho biết doanh nghiệp đã cam kết gánh 20% tổng vốn đầu tư và hoàn toàn chịu lãi cho phần vốn đó. Ngân sách Nhà nước sẽ không phải chịu áp lực tài chính tương ứng. Bà cũng lưu ý rằng đây là dự án có rủi ro cao, khi 98% tuyến đường sắt cao tốc trên thế giới thua lỗ, chỉ 2% có lãi. Chưa kể, sau khoảng 30 năm vận hành, tuyến đường sẽ cần tái đầu tư hàng chục tỷ USD để bảo trì và nâng cấp.
Hiện đề xuất của VinSpeed đang được lấy ý kiến từ các Bộ, ngành. Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp các nội dung liên quan để báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội trước ngày 20/5. Việc chuyển hình thức đầu tư cùng các cơ chế đặc thù đi kèm cần được Quốc hội xem xét thông qua.
Nhận làm dự án lớn nhất Việt Nam, Vingroup có tiềm lực như thế nào?
Vingroup là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, sở hữu hệ sinh thái đa ngành trải dài trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, xe điện, du lịch - nghỉ dưỡng, y tế... Gần đây, tập đoàn tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, robot và đường sắt cao tốc.
Năm 2024, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần đạt 189.068 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.276 tỷ đồng.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp |
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản hợp nhất của Vingroup đạt 836.064 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt là 42.582 tỷ đồng và 5.091 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng. Tài sản này chủ yếu được hình thành từ 682.789 tỷ đồng nợ phải trả, phần còn lại là vốn chủ sở hữu.
Trên thị trường chứng khoán, hệ sinh thái Vingroup có 6 công ty niêm yết gồm: Vingroup (HoSE: VIC), Vinhomes (HoSE: VHM), Vinpearl (HoSE: VPL), Vincom Retail (HoSE: VRE), CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (UPCoM: VEF) và CTCP Sách Việt Nam (UPCoM: VNB).
Chốt phiên giao dịch ngày 16/5, tổng vốn hóa của 6 doanh nghiệp này đạt gần 820.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 11% tổng vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bên cạnh đó, VinFast - một công ty thành viên của Vingroup hiện đang niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) cũng có vốn hóa khoảng 8,4 tỷ USD (tương đương 217.741 tỷ đồng).
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup sở hữu khối tài sản trị giá 9,3 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 6,5 tỷ USD hồi đầu năm 2025 (theo dữ liệu từ Forbes).
Việt Nam - Mỹ lần đầu đàm phán thương mại trực tiếp cấp Bộ trưởng, ngồi cạnh nhau đầy ẩn ý tại APEC
Coteccons bàn giao nhà máy thép công suất 1 triệu tấn/năm cho 'ông lớn' từng bị hủy niêm yết