Câu chuyện đầu tư

Canada điều tra chống bán phá giá một mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam, Hòa Phát (HPG) có bị ảnh hưởng?

Thu Huyền 16/05/2025 - 14:12

Tập đoàn Hòa Phát hiện xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các thị trường lớn như Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu.

Canada điều tra chống bán phá giá dây đai thép nhập khẩu từ Việt Nam

Ngày 12/5/2025, Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) đã chính thức khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với một số mặt hàng dây đai thép nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vụ việc do Công ty JEM Strapping Systems Inc. đứng đơn kiện, mã số vụ việc là SS 2025 IN.

Theo thông báo của CBSA, đối tượng điều tra là các loại dây đai thép thuộc các mã HS: 7212.20, 7212.30, 7212.40, 7212.50, 7212.60, 7217.10, 7217.20, 7217.30, 7226.99, 7312.90 và 7326.20. Thời kỳ điều tra chống bán phá giá từ ngày 1/4/2024 tới 31/3/2025. Thời kỳ phân tích lợi nhuận (Profitability Analysis Period) từ ngày 1/1/2024 tới 31/3/2025.

Canada điều tra chống bán phá giá dây đai thép nhập khẩu từ Việt Nam, Hòa Phát (HPG) có bị ảnh hưởng?
Canada điều tra chống bán phá giá dây đai thép nhập khẩu từ Việt Nam (Ảnh minh họa)

Dựa trên số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2023 lần lượt đạt 7,8 triệu USD và 4,3 triệu USD. CBSA sẽ ban hành Bản tuyên bố lý do trong vòng 15 ngày (dự kiến vào ngày 27/5/2025) để cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ việc điều tra.

Đặc biệt, CBSA đã gửi yêu cầu cung cấp thông tin cho các nhà xuất khẩu Việt Nam nhằm thu thập dữ liệu phục vụ điều tra. Doanh nghiệp nhận được yêu cầu vì CBSA xác định rằng doanh nghiệp có thể là nhà xuất khẩu hoặc sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng điều tra.

Cùng với đó, CBSA yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin chi tiết về doanh số, chi phí và cấu trúc giá liên quan đến các lô hàng xuất khẩu sang Canada trong giai đoạn điều tra. Đồng thời, CBSA cũng yêu cầu cung cấp dữ liệu về hoạt động bán hàng nội địa và chi phí đối với hàng hóa tương tự trong giai đoạn phân tích lợi nhuận để làm cơ sở xác định giá trị thông thường.

Ngoài ra, CBSA cũng gửi yêu cầu cung cấp thông tin cho Chính phủ Việt Nam để điều tra độc quyền xuất khẩu đối với ngành thép theo Mục 20 của Đạo luật Biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMA). Thời hạn cung cấp các thông tin trên là trước 5 giờ chiều ngày 18/6/2025 (giờ Canada).

Cục Phòng vệ Thương mại cho biết: CBSA sẽ ban hành Kết luận sơ bộ trong vòng 90 ngày kể từ ngày khởi xướng (dự kiến vào ngày 11/8/2025) và có thể áp dụng thuế tạm thời trong thời gian này.

Hơn nữa, Tòa án Thương mại quốc tế Canada (CITT) sẽ tiến hành điều tra về thiệt hại đối với ngành công nghiệp Canada và đưa ra Kết luận sơ bộ trong vòng 60 ngày kể từ ngày khởi xướng (dự kiến vào ngày 11/7/2025). Nếu CITT kết luận không có thiệt hại theo quy định, việc điều tra sẽ được chấm dứt. Quyết định cuối cùng dự kiến được ban hành vào ngày 10/10/2025.

Hòa Phát (HPG) có bị ảnh hưởng?

Theo Báo cáo thường niên 2024, Tập đoàn Hòa Phát đang xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các thị trường lớn như Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu. Xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, chiếm tới 31% tổng doanh thu của tập đoàn, đạt 43.340 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong cơ cấu xuất khẩu của Hòa Phát không bao gồm mặt hàng dây đai thép – đối tượng hiện đang bị điều tra chống bán phá giá tại Canada. Thay vào đó, các sản phẩm chủ lực của tập đoàn là phôi thép, thép xây dựng, thép chất lượng cao và thép cuộn cán nóng (HRC), với tổng sản lượng xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 2,63 triệu tấn.

Canada điều tra chống bán phá giá dây đai thép nhập khẩu từ Việt Nam, Hòa Phát (HPG) có bị ảnh hưởng?
Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Hòa Phát (Nguồn: Báo cáo thường niên 2024)

Cơ cấu sản xuất của Hòa Phát cũng không đề cập đến dây đai thép. Các dòng sản phẩm hiện có của tập đoàn bao gồm thép xây dựng, HRC, ống thép, tôn mạ, thép rút dây, vỏ container và thép dự ứng lực – không có dây đai thép trong danh mục sản xuất chính.

Trước vụ CBPG trên, vào tháng 9/2024, Canada đã ban hành kết luận cuối cùng về vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng dây thép (khác với dây đai thép), trong đó 2 công ty con của Hòa Phát là CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất và CTCP Thép Hòa Phát Hải Dương bị áp mức thuế chống bán phá giá lần lượt là 17,7% và 13,5%.

Dù vậy, theo Chứng khoán Maybank, khối lượng xuất khẩu dây thép sang Canada của Hòa Phát trong năm 2023 chỉ chiếm khoảng 3% tổng sản lượng xuất khẩu. Vì vậy, việc Canada áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng này được cho là không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.

Đáng chú ý, nếu Canada áp thuế cao với thép dây từ Trung Quốc, thì đây có thể là cơ hội mở rộng thị phần cho các doanh nghiệp Việt Nam như Hòa Phát tại thị trường Canada. Nhận định từ Chứng khoán Maybank cho rằng triển vọng tiêu thụ các sản phẩm liên quan vẫn “sáng cửa”, nhờ vào lợi thế cạnh tranh về thuế suất của hàng Việt Nam.

>> Mỹ ra kết luận cuối cùng về thuế với ống thép nhập khẩu từ Việt Nam, Hòa Phát thoát hiểm

Dự án ray thép đường sắt 14.000 tỷ đồng của Hòa Phát (HPG) liên tiếp gặp khó, tỉnh chỉ đạo tháo gỡ ngay

Hòa Phát (HPG) 'thoát án' thuế chống bán phá giá trong cuộc điều tra lẩn tránh của Mỹ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/canada-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-day-dai-thep-nhap-khau-tu-viet-nam-hoa-phat-hpg-co-bi-anh-huong-289866.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Canada điều tra chống bán phá giá một mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam, Hòa Phát (HPG) có bị ảnh hưởng?
    POWERED BY ONECMS & INTECH