Trong quý II/2022, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt hơn 17.113 tỷ đồng - tương ứng giảm 20,02% về giá trị và 18,33% về khối lượng bình quân so với cùng kỳ năm 2021.
Kết tuần giao dịch từ 27/6 - 1/7/2022, VN-Index tăng 13,42 điểm (+1,13%), lên 1.198,9 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 5,4% so với tuần trước với 61.226 tỷ đồng, khối lượng giao dịch giảm 4,7% xuống 2.562 triệu cổ phiếu.
HNX-Index tăng 2,95 điểm (+1,07%), lên 278,88 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 44,9% so với tuần trước với 7.115 tỷ đồng, khối lượng giao dịch giảm 33,4% xuống 335 triệu cổ phiếu.
Rộng hơn, kết tháng 6/2022, chỉ số VN-Index đạt hơn 1.197 điểm - giảm 7,36% so với tháng 5, tương ứng giảm hơn 20% so với cuối năm 2021.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 6 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 14.529 tỷ đồng và 547,70 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm 2,8% về giá trị và tăng 1,38% về khối lượng bình quân so với tháng 5.
Tính trong quý II/2022, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt hơn 17.113 tỷ đồng với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 589,15 triệu cổ phiếu; tương ứng giảm 20,02% về giá trị và 18,33% về khối lượng bình quân so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường giảm điểm: Lỗi thuộc về nhà đầu tư cá nhân?
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho rằng, việc nhận định sự trở lại của dòng tiền cần hiểu rõ nguyên nhân thanh khoản tụt áp.
Thứ nhất, tài khoản nhà đầu tư thua lỗ nặng và giảm margin. Mức độ giảm khoảng 20% của chỉ số VN-Index từ đỉnh không phản ánh đầy đủ mức độ sát thương của đợt giảm, khi nhiều cổ phiếu giảm 50 - 80% từ đỉnh. Nếu dùng margin, nhiều nhà đầu tư thua lỗ 80 - 90% tài khoản là không hiếm. Vốn thực và dòng vốn margin đều suy giảm sau thời gian qua. Nhà đầu tư muốn vay margin trở lại cũng không đủ tài sản đối ứng.
Theo đó, dòng tiền từ nhà đầu tư thua lỗ và nguồn margin chỉ trở lại khi thị trường thực sự ổn định.
Thứ hai, siết chặt thị trường trái phiếu, một số doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không tìm ra nguồn cân đối.
Trên thực tế, tôi nhận thấy có nhiều cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp lớn tìm nguồn vay thế chấp cổ phiếu thay thế để bù vào. Nhiều nhóm sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất cao hơn, mặt bằng lãi suất làm deal cũng tăng trong thời gian qua. Yếu tố này chỉ cải thiện khi doanh nghiệp cân được nguồn và việc này cần thời gian từ 2 - 3 quý.
Thứ ba, dòng tiền trở lại sản xuất kinh doanh và chuyển kênh đầu tư khi thị trường chứng khoán không thuận lợi. Dòng tiền chỉ được cải thiện khi bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn và chứng khoán trở nên hấp dẫn.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết phân tích: "Lạm phát và lãi suất vẫn là mối lo ngại lớn của dòng tiền trên thị trường. Tuy nhiên, tôi cho rằng có ba yếu tố tích cực có thể tác động đến thanh khoản thị trường thời gian tới bao gồm: Lạm phát có khả năng tạo đỉnh trong quý III sẽ giúp quá trình tăng lãi suất chậm lại và tác động tích cực đến thị trường chứng khoán; kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp được công bố cũng là một động lực cho thị trường; định giá nhiều nhóm cổ phiếu về vùng hấp dẫn khi nhiều cổ phiếu đã chiết khấu mạnh trong thời gian qua cũng là một yếu tố có thể kích thích dòng tiền quay trở lại trong thời gian tới.
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank phân tích, thị trường chứng khoán đang chứng kiến một mức thanh khoản thấp như vậy; thanh khoản hiện nay đang chuyển động theo xu hướng giảm dần đều từ tháng 11/2021 đến nay.
Khi thanh khoản thấp đúng là đáng lo nhưng lo hơn là nó giảm dần đều. Thậm chí, tháng sau còn thấp hơn nhiều so tháng trước, trong khi giá lên thanh khoản giảm, giá xuống thanh khoản tăng: Đây là nghịch lý cho thấy dấu hiệu dòng tiền trên thị trường đang âm, tức dòng tiền rút ra nhiều hơn đổ vào.
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh