Tiếp tục triển khai việc sơ kết và ký Quy chế phối hợp với các địa phương trên cả nước, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Bình Thuận vừa tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2012-2023 và ký Quy chế phối hợp công tác giai đoạn mới.
Quan hệ bổ trợ, tương hỗ phát triển kinh tế-xã hội
Quy chế phối hợp giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai (năm 2012) là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ bổ trợ, tương hỗ giữa các bên để cùng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Sau hơn 10 năm thực hiện, mối quan hệ phối hợp công tác giữa 3 cơ quan đã ngày càng đi vào thực chất.
Qua công tác kiểm toán, KTNN đã đánh giá, nêu bật được các mặt tích cực của các địa phương trong công tác quản lý, điều hành, đồng thời, cũng chỉ ra những hạn chế, sai sót cần khắc phục.
Dưới góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, qua công tác kiểm toán, KTNN đã chỉ ra cho địa phương một số nội dung còn hạn chế, giúp địa phương hoàn thiện hơn trong việc quản lý ngân sách, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. KTNN đã thường xuyên lắng nghe, chia sẻ, cùng địa phương rà soát, nghiên cứu các quy định của pháp luật để thống nhất trong việc xử lý các kiến nghị còn tồn đọng theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ chế, chính sách, quy định khi triển khai thực tế cũng còn khó khăn. cần hỗ trợ và tháo gỡ.
Ông Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai đề nghị: Trong thời gian tới, KTNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán để tránh chồng chéo, trùng lắp; báo cáo kiểm toán nên tập trung đánh giá thêm về nội dung năng lực điều hành của các địa phương; hỗ trợ, góp ý cho các địa phương những cách làm hay, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý và điều hành ngân sách tại địa phương...
Ông Đoàn Anh Dũng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhận định: Nội dung của Quy chế phối hợp sửa đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh lần này đã điều chỉnh phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ điện tử, Luật NSNN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Tỉnh Bình Thuận mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, phối hợp và giúp đỡ của KTNN, tư vấn cho địa phương các cách làm hay, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý và điều hành ngân sách tại địa phương.
Đưa công tác phối hợp có chiều sâu và hiệu quả hơn nữa
Bên cạnh các kết quả đạt được, sau hơn 10 năm thực hiện, Quy chế phối hợp công tác trong hoạt động kiểm toán giữa KTNN với HĐND và UBND các tỉnh cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập so với yêu cầu thực tiễn: Chưa tổ chức thường xuyên, định kỳ các cuộc giao ban để trao đổi, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện quy chế và phối hợp; trong việc giám sát, quản lý, điều hành ngân sách địa phương. Trong quá trình phối hợp vẫn còn có trường hợp việc cung cấp tài liệu, thông tin chưa đầy đủ, kịp thời, gây khó khăn cho việc đưa ra nhận xét, kết luận của KTNN; ảnh hưởng đến thời gian phát hành biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán; ảnh hưởng đến chất lượng kiến nghị kiểm toán…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Văn Tuấn, Tổng KTNN khẳng định: "Sau nhiều năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh đã đi vào thực chất, đã phát huy được hiệu quả công tác, giúp các cơ quan hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao. KTNN khu vực XIII đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị, để thông tin đến HĐND, UBND tỉnh; phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán và đề xuất KTNN xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Hầu hết các kiến nghị kiểm toán đã được các tỉnh thực hiện kịp thời, nghiêm túc; tỉ lệ thực hiện hằng năm luôn đạt trên 88% (cao hơn bình quân chung hằng năm của ngành, năm 2021 thực hiện đạt 80,08%)". Để đạt được những kết quả trên là có sự phối hợp công tác chặt chẽ giữa 3 cơ quan KTNN với HĐND và UBND các địa phương.
Về phương hướng trọng tâm nhằm nâng cao sự phối hợp giữa các bên trong giai đoạn mới, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cam kết KTNN luôn đồng hành cùng các địa phương trong thời gian tới, đồng thời giao cho KTNN khu vực XIII và các vụ chức năng của KTNN nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của địa phương để có những thay đổi phù hợp với tình hình thực tiễn, tập trung vào 4 nội dung chính.
Cụ thể, xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2024 và kế hoạch kiểm toán trung hạn 2026 theo hướng dẫn của ngành bảo đảm chất lượng; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán; tập trung nâng cao chất lượng công tác thảo luận, thẩm tra, xây dựng Báo cáo ý kiến của KTNN về dự toán ngân sách địa phương hằng năm; xây dựng đạo đức công vụ, nâng cao năng lực đội ngũ kiểm toán viên để có thể đáp ứng những yêu cầu khi được các địa phương yêu cầu tham gia các vấn đề về dự toán, quyết toán và tham gia các văn bản liên quan đến tài chính ngân sách, tham gia các đoàn giám sát ngân sách tại các địa phương.
Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cũng đề nghị HĐND, UBND các tỉnh phối hợp chặt chẽ với KTNN trong việc yêu cầu, giao nhiệm vụ kiểm toán hằng năm cho KTNN khu vực XIII trong việc thực hiện kiểm toán việc thực hiện các đề án, chương trình, dự án quan trọng và các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công được quan tâm tại địa phương; phục vụ HĐND trong giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán phục vụ HĐND tỉnh trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc quản lý tài chính công, tài sản công.
Tổng KTNN đặc biệt nhấn mạnh và đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ hoạt động kiểm toán của đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, kiểm toán viên Nhà nước trên địa bàn và phản ánh kịp thời để KTNN xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nếu có, bảo đảm việc thực thi nhiệm vụ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng kiểm toán, phòng chống tham nhũng, tiêu cực".
Bên cạnh đó, Tổng KTNN cũng mong muốn các địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về KTNN, Chuẩn mực, quy trình kiểm toán, quy chế hoạt động của Đoàn kiểm toán nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN.
Tại hội nghị, KTNN và các địa phương đều thống nhất, thay bằng định kỳ 3 năm, KTNN khu vực XIII chủ trì tổ chức họp rút kinh nghiệm thực hiện Quy chế như trước đây, Quy chế mới sẽ áp dụng thời gian tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm sẽ được tổ chức định kỳ hằng năm để việc phối hợp giữa các bên được chặt chẽ, kịp thời.
Xi măng Công Thanh thua lỗ 8 năm liên tiếp, âm vốn chủ 7.700 tỷ đồng: Ai là chủ nợ lớn nhất
Một doanh nghiệp tại Thanh Hóa có gần 12.000 tỷ đồng lãi vay quá hạn thanh toán