Chủ tịch Quốc hội quyết định thời gian gửi tài liệu về công tác nhân sự
Theo Nghị quyết sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian gửi tài liệu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và công tác nhân sự do Chủ tịch Quốc hội quyết định.
Gửi tài liệu thẩm tra chậm nhất 20 ngày
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 90/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 29/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nghị quyết vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/7, quy định: Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm: Phiên họp thường kỳ; Phiên họp chuyên đề và các Phiên họp khác.

Về thời gian gửi tài liệu, Nghị quyết quy định, đối với phiên họp thường kỳ, phiên họp chuyên đề, cơ quan trình gửi tài liệu đến cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất 20 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối với phiên họp khác, cơ quan trình gửi tài liệu đến cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất 5 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp; gửi tài liệu đến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất 2 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp.
Thời gian gửi tài liệu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và công tác nhân sự do Chủ tịch Quốc hội quyết định; thời gian gửi tài liệu về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội theo quy định tại Quy chế này.
Xem xét, quyết định số lượng và phê chuẩn nhân sự
Quy chế làm việc vừa ban hành cũng nêu rõ về việc xem xét, quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách và việc cho thôi đối với Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Ủy ban của Quốc hội.
Theo đó, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội phối hợp với Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu dự kiến để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định số lượng và phê chuẩn danh sách thành viên, phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách...
Với các nhân sự khác, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Trợ lý Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tổng Kiểm toán nhà nước trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Tổng Kiểm toán nhà nước.
Về chuyển sinh hoạt đoàn, trường hợp đại biểu Quốc hội được cấp có thẩm quyền quyết định điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thành phố không phải nơi đang sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội thì Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu làm thủ tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển sinh hoạt đoàn đối với đại biểu Quốc hội đó.
Trường hợp đại biểu Quốc hội chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác thì có trách nhiệm thông báo đến Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu để trao đổi với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
>> Chủ tịch Quốc hội nhận xét về trung tâm phục vụ hành chính công ở phường, xã mới
Chủ tịch Quốc hội nhận xét về trung tâm phục vụ hành chính công ở phường, xã mới
Chủ tịch Quốc hội: Chuẩn bị từ sớm để đảm bảo chất lượng kỳ họp cuối nhiệm kỳ