Tài chính Ngân hàng

Kiểm toán Nhà nước ‘gọi tên’ loạt ngân hàng nợ xấu tăng vọt, đầu tư thua lỗ

Hoàng Hiếu 21/07/2025 - 15:42

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt bất cập tại các ngân hàng: nợ xấu tăng, đầu tư lỗ lớn, phân loại nợ sai, cho vay sai quy định.

Theo báo cáo kiểm toán tổng hợp năm 2024 được Kiểm toán Nhà nước công bố, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giữ lạm phát ở mức 3,25%, ổn định tỷ giá và thanh khoản hệ thống. Các tổ chức tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cơ bản đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, hoạt động có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%.

Tuy nhiên, cơ cấu tín dụng vẫn chưa bám sát định hướng ưu tiên. Dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2023 tăng 11,8% so với năm 2022; trong đó, dư nợ cho đầu tư, kinh doanh bất động sản tăng 35,4%, cao gấp 2,5 lần tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Trong khi đó, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp (11,56%), doanh nghiệp nhỏ và vừa (13,61%) hay xuất khẩu (6,57%) đều thấp hơn mức bình quân toàn ngành (13,78%).

Chất lượng tín dụng suy giảm khi nợ xấu nhóm khách hàng có dư nợ trên 500 tỷ đồng tăng mạnh cả về số tuyệt đối và tỷ trọng, chủ yếu tại SCB. Tại Sacombank, nợ xấu nhóm này tăng 536,2%; tại Vietcombank tăng 110,8%.

Một số ngân hàng vẫn phân loại nợ chưa chính xác, trích lập dự phòng rủi ro chưa đầy đủ, sai sót trong trình tự cho vay. Việc thẩm định tài sản bảo đảm sơ sài, thiếu hồ sơ giải ngân và giám sát sau cho vay chưa đầy đủ. Đáng chú ý, một số ngân hàng sử dụng vốn vay để mua chứng chỉ tiền gửi – vi phạm quy định.

Ngoài ra, hoạt động đầu tư tài chính tại nhiều đơn vị cho thấy hiệu quả thấp hoặc kém hiệu quả. Agribank đầu tư vào ALCI bị lỗ lũy kế 783 tỷ đồng, ALCII đã bị tuyên bố phá sản. Co-opBank chưa thu hồi được khoản tiền gửi 330 tỷ đồng tại CTCP Tài chính Handico. Tập đoàn Bảo Việt có nhiều khoản đầu tư vào công ty con không hiệu quả, trong đó một số đã trích lập dự phòng gần như toàn bộ.

Kiểm toán Nhà nước ‘gọi tên’ loạt ngân hàng nợ xấu tăng vọt, đầu tư thua lỗ
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt bất cập tại các ngân hàng: nợ xấu tăng, đầu tư lỗ lớn, phân loại nợ sai, cho vay sai quy định.

Năm 2023, NHNN đã 4 lần giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,5% đến 2%/năm. Tuy nhiên, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động vẫn duy trì ở mức cao, khoảng trên 4%. Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022 chỉ giải ngân 1.216 tỷ đồng, bằng 3,04% kế hoạch; trong đó có 1,75 tỷ đồng giải ngân chưa đúng đối tượng.

Đáng lưu ý, NHNN chưa xây dựng được chiến lược phát triển thị trường vàng, chưa can thiệp kịp thời để bình ổn giá. Sự phối hợp giữa NHNN với các bộ, ngành trong việc cung cấp số liệu phục vụ dự báo cán cân thanh toán còn hạn chế qua nhiều năm.

Đến cuối năm 2023, phương án cơ cấu lại của nhiều tổ chức tín dụng vẫn chưa được phê duyệt, đặc biệt là 3/4 ngân hàng thương mại nhà nước và 9/28 ngân hàng TMCP. Việc xử lý các ngân hàng yếu kém (gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc và DongA Bank) vẫn còn chậm và kéo dài.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị NHNN tăng cường giám sát hoạt động cấp tín dụng, xử lý nghiêm các sai phạm, sớm trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược phát triển thị trường vàng, xây dựng quy trình kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động hỗ trợ lãi suất, đồng thời thúc đẩy hoàn thành đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng đến năm 2025. Các ngân hàng được kiểm toán cần rà soát, phân loại đúng nợ xấu, xử lý tồn đọng, tăng hiệu quả sử dụng vốn và đầu tư tài chính.

>> Vietcombank kiến nghị bỏ quy định ngân hàng nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài

Kiểm toán Nhà nước nêu tên loạt ngân hàng đầu tư kém hiệu quả, nợ xấu cao

Chủ tịch Vietcombank: Dư nợ tín dụng đã tăng hơn 11% từ đầu năm, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kiem-toan-nha-nuoc-goi-ten-loat-ngan-hang-no-xau-tang-vot-dau-tu-thua-lo-297063.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kiểm toán Nhà nước ‘gọi tên’ loạt ngân hàng nợ xấu tăng vọt, đầu tư thua lỗ
    POWERED BY ONECMS & INTECH