Vĩ mô

Xuất khẩu chững lại, thị trường nội địa ‘cứu’ ngành thép

Nguyên Mộc 23/07/2025 20:48

Xuất khẩu thép Việt Nam nửa đầu 2025 đạt 3,7 tỷ USD, giảm hơn 22% so với cùng kỳ dù sản lượng chỉ giảm 13%. Trong bối cảnh đó, sức tiêu thụ nội địa hồi phục trở thành điểm sáng hiếm hoi, góp phần nâng đỡ toàn ngành.

Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành thép trong nước ghi nhận sự phục hồi tích cực ở mảng sản xuất và tiêu thụ nội địa, song hoạt động xuất khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá thép thế giới giảm sâu và các rào cản thương mại gia tăng.

Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm trong nửa đầu năm đạt 15,825 triệu tấn, tăng 9,7% so với cùng kỳ 2024. Bán hàng thép thành phẩm cũng tăng trưởng 10,2%, đạt 15,727 triệu tấn, phản ánh sức cầu trong nước có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Tuy nhiên, bức tranh xuất khẩu lại cho thấy một gam màu trầm. Trong tháng 6/2025, Việt Nam xuất khẩu 931.365 tấn sắt thép các loại, kim ngạch đạt 611,5 triệu USD, tăng nhẹ 4,3% về lượng và 1,9% về giá trị so với tháng trước. Nhưng tính lũy kế 6 tháng, tổng lượng xuất khẩu chỉ đạt 5,66 triệu tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu giảm sâu tới 22,5%, xuống còn 3,70 tỷ USD – tức giá trị giảm nhanh hơn sản lượng.

Xuất khẩu chững lại, thị trường nội địa ‘cứu’ ngành thép
Ngành thép nửa đầu năm: Nội địa ‘gánh’ xuất khẩu khi giá quốc tế lao dốc (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân chính được VSA chỉ ra là do giá thép trên thị trường quốc tế lao dốc, khiến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Trong bối cảnh giá thế giới chịu áp lực từ dư cung, cùng với các rào cản thương mại gia tăng, doanh nghiệp thép Việt Nam ngày càng khó duy trì mức giá cạnh tranh.

Ngoài yếu tố giá, thị trường thép toàn cầu còn đang bị chi phối bởi nhiều biến động lớn như các chính sách bảo hộ mới, xung đột địa chính trị kéo dài, và xu hướng các nước gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu, mà còn tác động đến tâm lý đầu tư và kế hoạch mở rộng sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong nước.

Tuy vậy, theo VSA, nửa cuối năm 2025 vẫn được kỳ vọng là giai đoạn phục hồi mạnh mẽ của thị trường nội địa. Với các dự án hạ tầng công được đẩy nhanh và nhu cầu xây dựng tăng trở lại, sản lượng sản xuất và tiêu thụ trong nước có thể tăng đáng kể. Dù vậy, kênh xuất khẩu vẫn được dự báo tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, trong đó lớn nhất là sự cạnh tranh từ nguồn cung dư thừa toàn cầu, đặc biệt đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Âu.

Xuất khẩu chững lại, thị trường nội địa ‘cứu’ ngành thép
Các thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam. Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam

Về thị trường xuất khẩu, khu vực ASEAN vẫn là điểm đến lớn nhất của thép Việt Nam, chiếm 32% tổng lượng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm. Tiếp theo là EU (20%), Hoa Kỳ (10%) và Ấn Độ (8%).

>> Thép khổ rộng Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến 26 lần, Bộ Công Thương lập tức gửi văn bản tới Cục Hải quan

Hoa Kỳ sẽ điều tra 'kép' với 8 doanh nghiệp xuất khẩu thép cốt bê tông Việt Nam

Từ hôm nay xuất khẩu thép sang Mỹ phải chịu thuế 50%, ngành thép Việt Nam ảnh hưởng ra sao?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-chung-lai-thi-truong-noi-dia-cuu-nganh-thep-297325.html
Bài liên quan
  • Ngành thép toàn cầu ‘phủ mờ sương’ vì khủng hoảng thừa, lối đi nào cho doanh nghiệp Việt?
    Báo cáo mới đây từ OECD đã chỉ ra tình trạng dư thừa công suất thép toàn cầu sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm tới, đồng thời cảnh báo hàng rào bảo hộ thép đang ngày càng gia tăng. Những thách thức này có thể tác động trực tiếp lên dòng chảy xuất khẩu thép của nước ta, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải chủ động thích ứng.
  • Trung Quốc dự kiến giảm xuất khẩu thép, ngành thép Việt Nam được hưởng lợi gì?
    Sau khi đạt đỉnh vào năm ngoái, xuất khẩu thép tại Trung Quốc dự kiến sụt giảm mạnh trong hai năm tới, điều này sẽ giúp ngành thép nước ta được hưởng lợi đáng kể.
  • Giá nguyên liệu tăng cao: Phép thử lớn cho ngành thép Việt Nam
    Trong bối cảnh thị trường toàn cầu đầy biến động, giá nguyên liệu thép leo thang đang là bài toán hóc búa đối với ngành thép Việt Nam. Song, chính những thách thức này cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tái cấu trúc và bứt phá.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xuất khẩu chững lại, thị trường nội địa ‘cứu’ ngành thép
    POWERED BY ONECMS & INTECH