Kiểm toán Nhà nước: Mỗi người Việt 'gánh' gần 36 triệu đồng nợ công

01-06-2024 10:42|Khúc Văn

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, dư nợ công tính đến hết ngày 31/12/2022 đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, giảm 1,63% so với năm 2021, bằng 37,26% GDP, số nợ công bình quân/người của Việt Nam là 35,77 triệu đồng/người.

Tại Quốc hội, ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, cho biết qua kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2023, Kiểm toán đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách 21.300 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác gần 28.600 tỷ đồng.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, dư nợ công tính đến hết ngày 31/12/2022 đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, giảm 1,63% so với năm 2021, bằng 37,26% GDP, số nợ công bình quân/người của Việt Nam là 35,77 triệu đồng/người.

Kiểm toán Nhà nước còn cho biết cơ quan kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản.

Kiếm toán Nhà nước: Mỗi người Việt ‘gánh' gần 36 triệu đồng nợ công
Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, số nợ công/người của Việt Nam năm 2022 đã giảm 940.000 đồng/người so với năm 2021

Về công tác thanh tra, kiểm tra thuế, Kiểm toán Nhà nước cho biết còn tình trạng một số cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế chưa đầy đủ; chưa kiểm tra đầy đủ các loại hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế lựa chọn kiểm tra tại cơ quan Thuế theo quy định; chưa phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử của các hộ, cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất vẫn còn tình trạng đơn vị sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất, chưa xử lý thu hồi đất thuê theo quy định đối với các trường hợp tổ chức cá nhân được Nhà nước cho thuê đất đã bỏ địa chỉ kinh doanh nhiều năm.

Một số đơn vị chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất; xác định giá đất hoặc vị trí thửa đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa phù hợp với quy định; còn trường hợp miễn, giảm tiền thuê đất không đúng đối tượng; miễn tiền thuê đất vượt thời gian quy định; giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định.

Một số khai thác khoáng sản nhưng chưa có hợp đồng thuê đất hoặc quyết định cho thuê đất; chưa thu đầy đủ và tính chưa chính xác phí bảo vệ môi trường.

Về quản lý nợ thuế, Kiểm toán Nhà nước cho biết tổng số nợ thuế do cơ quan thuế quản lý tính đến cuối năm 2022 là 158.900 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021 (116.961,7 tỷ đồng). Nợ thuế do Hải quan quản lý đạt gần 7.300 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021 (7.028 tỷ đồng).

Chi đầu tư phát triển, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại một số Bộ, cơ quan trung ương thấp dưới 50% kế hoạch vốn được giao; tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi chỉ đạt 47%.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài chính, khoản giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trước năm 2019 chưa được ghi thu, ghi chi còn lớn 4.445,534 tỷ đồng, qua kết quả kiểm toán còn chênh lệch so với số báo cáo của Bộ Tài chính là 3.268,346 tỷ đồng.

>> Luật Đất đai 2024 quy định cấp sổ đỏ, sổ hồng ra sao khi nhiều người chung quyền sử dụng đất?

Cảnh báo nợ công Mỹ đe dọa nền kinh tế toàn cầu

Dòng vốn nước ngoài 'cuồn cuộn' đổ vào quốc gia châu Á, chuyên gia cảnh báo rủi ro

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kiem-toan-nha-nuoc-moi-nguoi-viet-ganh-gan-36-trieu-dong-no-cong-236930.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Kiểm toán Nhà nước: Mỗi người Việt 'gánh' gần 36 triệu đồng nợ công
POWERED BY ONECMS & INTECH