Kiến nghị sửa nhiều nội dung quan trọng trong Hiến pháp để vận hành bộ máy mới
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa báo cáo gửi Quốc hội về việc rà soát, đánh giá việc thực hiện một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013 cần đặt trong bối cảnh việc xây dựng nền quản trị quốc gia, quản trị địa phương hiện đại, hiệu lực, hiệu quả...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới. Đồng thời điều chỉnh kịp thời các quy định về tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tại Điều 9, Điều 10 và khoản 1 Điều 84.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 9 theo hướng quy định bao quát, toàn diện hơn về tôn chỉ, mục đích, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận theo mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội vào MTTQ Việt Nam.

Đồng thời, quy định khái quát về các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam...
Về sửa đổi, bổ sung Điều 10 bảo đảm kế thừa hợp lý về vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn trong các bản Hiến pháp từ trước đến nay, thống nhất với quy định tại Điều 4 và nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại Điều 9, phù hợp với tổ chức của Công đoàn Việt Nam sau khi sắp xếp vào MTTQ Việt Nam.
Bổ sung quy định về vai trò đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn để khẳng định vị trí quan trọng, không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động, đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động.
Về sửa đổi, bổ sung Điều 84 theo hướng không tiếp tục quy định các cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về chính quyền địa phương
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung các quy định về chính quyền địa phương tại các điều 110, 111, 112, 114 và 115 của Hiến pháp năm 2013.
Sửa đổi, bổ sung Điều 110 theo hướng không quy định quá chi tiết về hệ thống các đơn vị hành chính với tên của từng loại đơn vị theo 3 cấp như hiện nay mà chỉ quy định có tính khái quát, làm cơ sở cho việc tổ chức lại các đơn vị hành chính theo mô hình 2 cấp, gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ quy định cụ thể về các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh gồm xã, phường, đặc khu để đáp ứng yêu cầu thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp.
Sửa đổi, bổ sung một số nội dung có tính kỹ thuật tại các điều 111, 112, 114, 115 theo hướng không sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” để thể hiện tính thống nhất về mô hình tổ chức chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND). Việc này cũng tránh gây nhầm lẫn, tạo ra các cách hiểu khác nhau về tổ chức chính quyền ở địa phương.
Ngoài ra rà soát, chỉnh lý một số quy định để phù hợp với mô hình tổ chức của hệ thống chính trị sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn.
Đồng thời, bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.
>> Trung ương thảo luận về chủ trương sáp nhập tỉnh, sửa Hiến pháp