Kim tự tháp cổ nhất thế giới nằm trong lòng núi ở Đông Nam Á, được xây qua 4 giai đoạn từ 25.000 năm trước, từng bị nhầm là một ngọn đồi
Khu vực Đông Nam Á có một kim tự tháp vô cùng đặc biệt, thậm chí được xem là cổ nhất trên thế giới.
Một kim tự tháp khổng lồ đã được tìm thấy bên dưới lòng đất, tại một sườn đồi trên đảo Tây Java, Indonesia. Nó được đặt tên là Gunung Padang.
Theo các nhà khảo cổ, Gunung Padang có thể vượt xa những công trình cự thạch lâu đời nổi tiếng như Stonehenge, hay kim tự tháp Giza, để trở thành thứ lâu đời nhất từng được xây dựng bởi bàn tay con người.
Người dân địa phương gọi loại công trình này là "punden berundak", nghĩa là kim tự tháp bậc thang. Sở dĩ có tên gọi này là bởi nó có các bậc thang nối tiếp nhau, dẫn từ chân lên đỉnh. Kim tự tháp Gunung Padang được xây qua 4 giai đoạn từ 25.000 năm trước và trước đây từng bị nhầm là một ngọn đồi.
Gunung Padang được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1914, nằm ẩn mình giữa những ngọn núi, rừng chuối và vườn chè, ở độ cao hơn 880m so với mực nước biển, cách thành phố Jakarta chừng 120km về phía nam. Khi đó, những nhà khảo cổ học người Hà Lan tới nghiên cứu và xác định đây là địa điểm cự thạch cổ đại.
Theo nhà địa chất học Danny Hilman đến từ Viện khoa học Indonesia, nơi này cần được quan tâm nhiều hơn bởi có bằng chứng cho thấy một nền văn minh lớn được hình thành từ lâu nhưng chưa thực sự tồn tại trong các nghiên cứu hiện tại.
Các chuyên gia cho rằng, Gunung Padang là kim tự tháp cuối cùng ở Đông Nam Á. Bên dưới nền đất đắp cao có thể ẩn chứa vô số căn phòng, tầng hầm, hệ thực vật dày đặc phát triển trên nền di tích này suốt nhiều thế kỷ.
Kết quả nghiên cứu mới đây về Gunung Padang được đưa ra sau nhiều năm phân tích cẩn thận. Từ năm 2011 đến năm 2015, nhóm chuyên gia khảo cổ, nhà địa chất và nhà địa vật lý - do nhà địa chất học Danny Hilman dẫn đầu đã sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, chẳng hạn như khoan lõi, radar xuyên lòng đất và chụp ảnh dưới bề mặt để thăm dò khu di sản văn hóa Gunung Padang
Nhóm nghiên cứu đã nhận ra rằng giống như nhiều cự thạch trước đây, Gunung Padang được xây dựng theo từng giai đoạn phức tạp và tinh xảo. Phần sâu nhất của cấu trúc này nằm cách mặt đất 30m.
Người ta tin rằng những người xây dựng Gunung Padang chắc chắn phải sở hữu kỹ năng vượt trội, không phù hợp với các nền văn hóa săn bắt hái lượm truyền thống. Địa điểm này có tầm quan trọng đáng kể, liên tục thu hút người cổ đại tìm đến và cải tạo.
Khi các nhà nghiên cứu thăm dò bên trong sườn đồi bằng sóng địa chấn, họ tìm thấy bằng chứng về những hốc và căn phòng ẩn giấu, một số dài tới 15m với trần cao 10m.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí chuyên ngành Archaeological Prospection. Nó chính là bằng chứng minh họa cách tiếp cận toàn diện tích hợp các phương pháp khảo cổ, địa chất và địa vật lý để khám phá những cấu trúc cổ xưa rộng lớn và nằm khuất khỏi tầm nhìn.
>> Ngắm 'rồng vàng hạ thế' trên đỉnh tòa tháp ngàn năm tuổi ở đỉnh Ngọc Sơn, Hải Phòng