Kinh nghiệm thu hút FDI của Malaysia và tham chiếu cho Việt Nam
Tiến trình “hóa rồng” của nền kinh tế Malaysia được giải thích dưới nhiều góc độ, trong đó có một trong những động lực chính từ FDI.
Tính đến cuối năm 2022, châu Á là khu vực có FDI đổ vào Malaysia lớn nhất với giá trị 449 tỷ RM (98,2 tỷ USD), tiếp theo là châu Âu với 224,5 tỷ RM (49,1 tỷ USD) và châu Mỹ với 187,3 tỷ RM (41 tỷ USD).
Tiên phong trong khu vực
Đầu thập niên 60, Malaysia đã giải quyết ổn thỏa các vấn đề chính trị nội bộ, bắt tay xây dựng nền kinh tế. Năm 1968, nước này ban hành Luật ưu đãi đầu tư, “lót ổ” đón FDI bằng Khu thương mại tự do - sáng kiến rất hiện đại lúc bấy giờ, thuộc nhóm sớm nhất trong khu vực.
Từ cuối năm 1980 trở đi, Malaysia bắt đầu hái quả ngọt, ghi nhận mức vốn FDI tăng đột biến. Luật ưu đãi đầu tư được thiết kế để “phân luồng” nguồn vốn. Ví dụ thời kỳ đầu, nước này khuyến khích các ngành công nghiệp hướng tới xuất khẩu và thu hút nhiều lao động. Kết quả, điện tử và dệt may Malaysia dẫn đầu khu vực.
Năm 1986, quốc gia này sửa luật thành “Luật khuyến khích đầu tư”, thay đổi chính sách thu hút FDI, chấp nhận các dự án 100% vốn nước ngoài nếu xuất khẩu 50% sản phẩm hoặc nhiều hơn, bán 50% hoặc nhiều hơn hàng hóa cho các Khu công nghiệp trong nước. Đổi lại, doanh nghiệp được miễn thuế, trợ cấp thuế.
Chính sách này được ban hành với mục đích định hướng nền kinh tế sang xuất khẩu. Sau đó, Malaysia trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản phẩm mủ cao su và hóa chất cọ. Ngoài ra, ngành công nghiệp sản xuất ô tô, các nhà máy sản xuất thép, xi măng, nguyên liệu từ cao su, dầu cọ khá phát triển.
Từ năm 1990, chính phủ Malaysia rà soát lại bức tranh kinh tế FDI nhận thấy dư thừa các ngành công nghiệp nghèo “chất xám”, giá trị thặng dư thấp. Theo đó, Chương trình Liên kết công nghiệp ra đời dựa trên 3 trụ cột: (1) khuyến khích tài chính; (2) liên kết kinh doanh; (3) hỗ trợ đặt nhà máy sản xuất, nghiên cứu sáng tạo, nâng cấp công nghệ, tập trung vào công nghệ sinh học, quang điện tử, công nghệ không dây và vật liệu tiên tiến.
Mục đích của chương trình nói trên một mặt nhằm sàng lọc dự án đầu tư, mặt khác buộc các công ty đa quốc gia liên doanh với doanh nghiệp trong nước; tạo điều kiện để công nghệ tiên tiến được nghiên cứu và sáng tạo ngay trong nước. Bước chuyển biến rất rõ ràng là ô tô, điện tử, viễn thông, xây dựng, năng lượng là lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho kinh tế Malaysia.
Hàm ý cho Việt Nam
Tiến trình thu hút FDI của Malaysia được hoạch định rất rõ ràng cho từng giai đoạn, ứng với từng thời kỳ, điều kiện trong nước. Nhưng đó là xu hướng không ngừng nâng cấp, tiến lên theo quy luật, ưu tiên chất lượng, phát triển chiều sâu, chi phí ít hơn và lợi nhuận cao hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể tham khảo chính sách thu hút FDI của Malaysia dưới các góc độ sau đây.
Thứ nhất, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Malaysia có hạ tầng giao thông tốt nhất khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 2 châu Á và hạng 5 thế giới trong Chỉ số đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIII). Nước này sở hữu 2 cảng quốc tế trong top 20 thế giới và hàng loạt sân bay, hàng chục nghìn km cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Hạ tầng hiện đại giúp nước này thăng hạng “Chỉ số hiệu suất logictics”, tăng khả năng cạnh tranh của Malaysia trong thu hút FDI, đúng nghĩa hạ tầng đi trước một bước.
Thứ hai là tính tiên phong và sáng tạo. Thu hút FDI là một dạng dịch vụ luôn tồn tại cạnh tranh khốc liệt, bên cạnh những ưu đãi, khuyến khích chung cần có điểm nhấn đột phá, trưng dụng lợi thế độc quyền. Ví dụ các bộ luật của Malaysia ra đời từ rất sớm và được điều chỉnh liên tục.
Tháng 5/2032 tại Thủ đô Kuala Lumpur, Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (4IR) được ra mắt, là trung tâm thứ 19 trong chuỗi trung tâm toàn cầu về mạng lưới 4IR của WEF. Thủ tướng Anwar Ibrahim nói rằng: Đây là trung tâm đầu tiên trong khu vực ASEAN tập hợp các nhà lãnh đạo trong chính phủ, doanh nghiệp, học giả và chuyên gia để tạo ra một hệ sinh thái đổi mới và chuyên môn nhằm khai thác tiềm năng của những ngành công nghệ này.
Thứ ba, môi trường đầu tư tại Malaysia khá thông thoáng nhờ bộ máy hành chính được cải cách gọn nhẹ, chuyên nghiệp. Đặc biệt dưới thời Thủ tướng Najib Tun Razak (2009 - 2018) đã có những hành động mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính công, với thông điệp “Người dân là trên hết, hiệu quả ngay từ bây giờ”.
Hiện nay, quy trình thủ tục đầu tư ở Malaysia rút lại còn 2 bước: Nhà đầu nước ngoài đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Uỷ ban doanh nghiệp quốc gia và sau đó chờ phê duyệt giấy phép đối với dự án thuộc lĩnh vực sản xuất. Quy trình khá gọn so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Tỉnh 'bé hạt tiêu' sát Hà Nội đón 140 triệu USD vốn FDI chỉ trong một ngày
Tỉnh duy nhất không biển không núi thu hút FDI cao nhất từ trước đến nay