GRDP nửa đầu 2025 của 6 thành phố trực thuộc Trung ương: Hải Phòng tăng mạnh nhất, TP.HCM vẫn ‘vua quy mô’
Sáu tháng đầu năm 2025 ghi nhận bức tranh tăng trưởng GRDP sôi động tại các thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập. Những cái nhất dần lộ diện, phản ánh sức bật của từng trung tâm vùng.
Từ ngày 1/7/2025, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính đã đưa các địa phương liền kề sáp nhập vào 6 thành phố trực thuộc Trung ương, hình thành những siêu đô thị với quy mô dân số và kinh tế vượt trội. Điều này tạo ra thay đổi lớn trong chỉ tiêu GRDP và phản ánh rõ nét sức bật của từng trung tâm vùng sau sáp nhập.
Hải Phòng: Thành phố tăng trưởng nhanh nhất
6 tháng đầu năm 2025, GRDP thành phố Hải Phòng tăng 11,04% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu trong số các thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 12,24%, đóng góp 6,68 điểm phần trăm; dịch vụ tăng 10,26%, đóng góp 3,79 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 10,16%.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ này là kết quả của sự cộng hưởng giữa Hải Phòng (cũ) và Hải Dương sau sáp nhập, khi riêng GRDP tỉnh Hải Dương cũ cũng đạt mức tăng 11,59%. Các ngành trụ cột như công nghiệp chế biến chế tạo, logistics và xây dựng đều khởi sắc.
Đà Nẵng: Đầu tàu du lịch, dịch vụ
Thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập với Quảng Nam đạt mức tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2025 là 9,43%, đứng thứ 8/34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 10,37% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch, đặc biệt là khách quốc tế và nội địa sau Năm Du lịch Quốc gia 2025.
Đà Nẵng (cũ) có mức tăng 11,7%, trong khi Quảng Nam đạt 6,63%, tạo ra nền tảng sản xuất – dịch vụ cân bằng cho toàn đô thị mới.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 16.337 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 5,8 triệu lượt, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,6 triệu lượt, tăng mạnh 31,4%; khách trong nước đạt 3,2 triệu lượt, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2024.
TP. HCM: Quy mô kinh tế lớn nhất cả nước
TP. HCM có GRDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,4%. Quy mô kinh tế chiếm gần 1/4 cả nước. Trong đó, dịch vụ tiếp tục là đầu tàu, tăng 8,58% và chiếm 66,3% cơ cấu GRDP.
Dù không dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, TP. HCM vẫn là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước với quy mô tổng sản phẩm và thu ngân sách vượt trội. Sau sáp nhập, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu tạo thế bổ sung cho TP. HCM trong công nghiệp, cảng biển và dầu khí, hướng tới trở thành siêu đô thị khu vực.
![]() |
Lộ diện những cái nhất của 6 thành phố trực thuộc Trung ương qua tăng trưởng GRDP nửa đầu năm 2025 (Ảnh minh họa) |
Huế: Dịch vụ và công nghiệp cùng dẫn dắt tăng trưởng
GRDP thành phố Huế 6 tháng đầu năm đạt 9,39% (cao hơn mức tăng cùng kỳ là 6,35%), xếp thứ 9/34 tỉnh/thành cả nước và xếp thứ 3 trong Vùng, nhờ hai trụ cột dịch vụ và công nghiệp – xây dựng tăng lần lượt 9,43% và 12,72%.
Dự án ô tô điện và linh kiện của Kim Long Motors cùng các sự kiện văn hóa, lễ hội trong khuôn khổ Festival Huế đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong tiêu dùng và sản xuất.
>> Lộ diện địa phương đứng thứ 3 cả nước về tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm
Cần Thơ: Vươn lên từ chuỗi thủy sản và nông nghiệp công nghệ cao
Thành phố Cần Thơ mới là sự hợp nhất của Cần Thơ với Hậu Giang và Sóc Trăng. Trong đó, Ước tính 6 tháng đầu năm 2025, GRDP Hậu Giang (cũ) theo giá so sánh 2010 đạt 16.892 tỷ đồng, tăng 9,88% so với cùng kỳ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 19,17%.
Trong khi đó, Chi cục Thống kê Thành phố Cần Thơ cho biết trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng kinh tế của Thành phố Cần Thơ ước đạt 7,87%, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước (cả nước đạt 7,52%). Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 19,85%.
Đặc biệt, thủy sản và chế biến thực phẩm đang trở thành động lực tăng trưởng mới khi xuất khẩu tăng đều và giá trị nội địa được cải thiện rõ rệt nhờ chuyển đổi số và tiêu chuẩn xanh.
![]() |
Cần Thơ hướng đến chuỗi thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh minh họa) |
Hà Nội: Giữ vững phong độ, dẫn đầu về thu hút FDI
GRDP 6 tháng đầu năm 2025 của Hà Nội tăng 7,63%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái và vượt kịch bản đầu năm. Dịch vụ tiếp tục là trụ đỡ chính với mức tăng 8,42%, chiếm 68,6% trong cơ cấu GRDP. TP. Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hàng loạt dự án công nghệ cao và hạ tầng đô thị (chưa tính TP. HCM sau sáp nhập).
Tổng thể, các đô thị trung ương đều cho thấy sự chuyển động tích cực. Hải Phòng bứt phá về tốc độ, TP. HCM khẳng định vị thế trung tâm kinh tế quốc gia, Đà Nẵng vươn lên mạnh mẽ nhờ du lịch – dịch vụ, trong khi Cần Thơ và Huế tận dụng tốt các nguồn lực địa phương.
Những “cái nhất” này không chỉ thể hiện thành quả bước đầu của mô hình sáp nhập mà còn cho thấy triển vọng tăng trưởng mới nếu các địa phương biết tận dụng lợi thế và phối hợp vùng hiệu quả trong thời gian tới.
>> Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh… được giao trọng trách mới, góp phần đạt GDP 8,3–8,5% vào 2025