Kirin Capital chỉ ra 'cách bình ổn tỷ giá khi đồng USD lập đỉnh'
Kirin Capital cho rằng việc phải bán dự trữ ngoại hối mạnh như năm 2022 là khó có thể xảy ra.
Ngân hàng Nhà nước vào cuộc, tỷ giá sẽ sớm ổn định
Ngày 14/6, Kirin Capital ra báo cáo phân tích Cách bình ổn tỷ giá khi đồng USD lập đỉnh, theo đó Kirin Capital cho rằng biến động tỷ giá trong thời gian qua nghiêng về khả năng biến động trong ngắn hạn. (Kirin Capital là một công ty đầu tư vốn cổ phần cơ bản tại Việt Nam).
Trong báo cáo, Kirin Capital chỉ ra, Ngân hàng Nhà nước (SBV) sẽ bán USD để có thể ổn định tỷ giá, tuy nhiên, việc phải bán dự trữ ngoại hối mạnh như năm 2022 là khó có thể xảy ra.
Kirin Capital cho rằng bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đã hoàn toàn thay đổi, nhiều nhà đầu tư trên toàn thế giới đã cho rằng khả năng Fed hạ cánh mềm. Nhiều dự đoán cho rằng trong quý III - quý IV/2024 sẽ là thời điểm Fed bắt đầu đảo ngược chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do vẫn đang giữ quanh mốc 25.400-25.450 sau khi SBV bắt đầu can thiệp thông qua việc bán dự trữ ngoại hối, điều đó cho thấy sự quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định tỷ giá ngoại tệ.
Theo Kirin Capital, tính đến thời điểm hiện tại SBV mới chỉ bán xấp xỉ 3,7 tỷ USD dự trữ ngoại hối, đồng thời đã giữ ổn định được tỷ giá trong hơn 1 tháng qua. Từ đó, có thể thấy được sự điều hành của SBV phần nào đã ổn định tâm lý giới đầu tư cũng như hạn chế được tình trạng đầu cơ tỷ giá trên thị trường.
Chỉ số sức mạnh đồng USD (Dxy) chỉ loanh quanh mốc 104-105 thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đó, đồng thời thặng dư thương mại của Việt Nam vẫn đang rất tích cực, đem về nguồn ngoại tệ dồi dào cho nước ta.
Do đó, Kirin Capital cho rằng việc phải bán dự trữ ngoại hối mạnh như năm 2022 là khó có thể xảy ra, đồng thời khả năng Chính phủ tăng lãi suất điều hành sẽ không phải là lựa chọn được SBV cân nhắc trong thời gian tới bởi mục tiêu hàng đầu trong năm nay vẫn là đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Chỉ số sức mạnh đồng USD (Dxy), nguồn: Kirin Capital |
Theo Kirin Capital, môi trường lãi suất cao không phải là vấn đề mới xảy ra, mà nó đã tồn tại từ năm 2022 cho đến nay, khi Fed bắt đầu tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Nhìn lại quá khứ trong hơn 2 năm vừa qua điều hành chính sách tỷ giá, ta có thể thấy được rõ kết quả mà sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022-2023.
Về cơ bản, thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến việc tỷ giá leo thang trong thời gian qua chủ yếu vẫn đến từ kỳ vọng của giới đầu tư vào lãi suất ngân hàng trung ương Mỹ, do có những tín hiệu không mấy tích cực trong thời gian qua khiến Fed trì hoãn việc hạ lãi suất.
Tuy nhiên có thể nhìn lại lịch sử trong năm 2022, khi tỷ giá ngoại tệ tại Việt Nam cũng tăng trưởng nóng do Fed bắt đầu đợt tăng lãi suất nhanh nhất lịch sử.
Đỉnh điểm trong năm 2022, chỉ số sức mạnh đồng USD (Dxy) đã lên đến mốc 114,78. Điều đó đã khiến cho SBV phải bán tới tận xấp xỉ 20 tỷ USD, đi kèm với biện pháp mạnh là tăng lãi suất điều hành 2 lần để ngăn chặn đà mất giá của đồng nội tệ.
>>VIS Rating: Các ngân hàng sẽ cần 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong ba năm tới