Mặc dù nằm ở phương bắc lạnh giá, quốc gia này hàng năm vẫn nhập khẩu đá lạnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, chủ yếu là để bảo quản thức ăn.
Chỉ có 1/10 lãnh thổ "đóng băng"
Iceland không phải là đất nước quanh năm bao phủ bởi băng tuyết như tên gọi của nó (Trong tiếng Anh, 'Ice' nghĩa là băng, 'land' là vùng đất).
Quốc gia này thường xuyên được phủ bởi màu xanh của cây lá, đặc biệt là vào mùa hè, chỉ có 1/10 lãnh thổ bị bao phủ bởi băng vĩnh cửu. 1/10 diện tích lãnh thổ này chính là trung tâm của Kỷ Băng Hà thứ 4, nơi đây có dòng sông băng lớn nhất thế giới ngoài Nam Cực và Greenland.
Theo truyền thuyết, người Viking từng sống ở Iceland trước đây đã lựa chọn cái tên lạnh lẽo này là nhằm ngăn cản những kẻ bên ngoài nhòm ngó hòn đảo này. Họ hy vọng rằng cái tên “Ice” có thể làm tiêu tan ý nghĩ của bất kỳ ai muốn ghé thăm hòn đảo này, nhằm tránh việc người ngoài phát hiện ra sự thật đây là một nơi tuyệt đẹp được bao phủ bởi cây cối xanh tốt. Trên thực tế thì trong lịch sử Iceland còn có rất nhiều những cái tên khác nhau như Snæland, Garðarshólmur (“Đảo Garðar”)...
Kể từ năm 2010, ngành du lịch trở thành trụ cột chính cho sự tăng trưởng kinh tế ở Iceland, góp phần giúp quốc gia này khôi phục lại nền kinh tế mong manh sau khủng hoảng tài chính 2008. Trong những năm gần đây, ngành dịch vụ này tăng trung bình 30%/năm. Đặc biệt, trong năm 2016, số lượng khách du lịch đã tăng 40%, đạt gần 1,8 triệu người. Với những con số ấn tượng này, ngành du lịch đã vượt qua ngành đánh bắt cá, trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất ở Iceland.
Iceland được bao phủ bởi các sông băng với tổng diện tích của chúng chiếm đến 11 % đất nước, trong đó sông băng rộng nhất là Vatnajökull (8.300 km²). Ngoài ra, núi băng còn được xem là “đặc sản” khi dọc đường đi, thứ mà người ta nhìn thấy nhiều nhất sẽ là những núi băng khổng lồ, muôn hình vạn trạng. Vào mùa đông, phần lớn diện tích của Iceland bị bao phủ bởi băng và tuyết, từ trên cao chúng ta nhìn thấy đảo quốc như được “hóa đá”. Chính điều đó mà người ta gọi nơi đây là “Đảo quốc băng giá” hay "Quốc gia băng giá".
Ngoài cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, thủ đô Reykjavík nổi bật là thành phố nằm xa nhất về phía Bắc của thế giới. Du khách sẽ được “sưởi ấm” bởi những gam màu sáng rực rỡ trong bầu không khí lạnh giá này. Sự thật, việc sơn màu ở gam sáng như vậy cũng là cách mà cư dân tạo hiệu ứng “đánh lừa xúc giác bằng thị giác” rất hiệu quả.
Một trong những địa danh du lịch được ghé thăm nhiều nhất ở Iceland là Blue Lagoon (tạm dịch là Vũng xanh) được vô tình tạo thành từ việc xây dựng một nhà máy địa nhiệt điện vào giữa những năm 1970. Nằm gần vòng cực Bắc, Iceland là một trong những quốc gia có thời điểm Mặt Trời không lặn vào ban đêm. Để đánh dấu hiện tượng thú vị này, hằng năm, Iceland tổ chức một liên hoan âm nhạc ở Reykjavik mang tên Secret Solstice vào 3 ngày mà mặt trời không lặn.
"Quốc gia băng giá" nhưng phải nhập khẩu đá lạnh
Tuy Iceland có sông băng và những tảng băng trôi trên biển, nhưng vì chi phí trả cho nhân công của đất nước này rất đắt đỏ, lại thêm cửa khẩu nhập khẩu của Iceland rất thuận tiện nên phần lớn băng đá của quốc gia này là được nhập khẩu với giá rẻ hơn gần 40% so với sản xuất trong nước. Vì lẽ đó, đất nước có tên là Iceland này sẽ nhập khẩu đá từ Na Uy, Anh và thậm chí là Mỹ để sử dụng, số “đá nhập khẩu” này chủ yếu được bán cho các cửa hàng lớn nhỏ dùng để bảo quản thực phẩm tươi ngon.
Kể từ khi gia nhập Hiệp hội thương mại tự do châu Âu vào năm 1970, Iceland càng được hưởng quyền tự do mậu dịch, đa phần các nguồn vốn, nhân công, sản phẩm và dịch vụ đều được tự do lưu thông giữa Iceland, Na Uy và các quốc gia EU, đương nhiên là bao gồm cả băng đá. Hơn nữa việc nhập khẩu đá không cần phải đóng thuế chính phủ, giá cả cũng rất rẻ, đây là lý do vì sao Iceland luôn nhập khẩu đá từ nước ngoài để sử dụng.
Như vậy, Iceland đã hội tụ được ba yếu tố quan trọng là: Chi phí vận chuyển đến thấp, giá nhân công tại chỗ cao và thuế nhập khẩu đá lạnh bằng 0. Chính các yếu tố này khiến cho việc nhập khẩu đá lạnh rất hợp lí về mặt kinh tế.
Theo ước tính của trang báo Reykjavik Grapevine của Iceland, đá lạnh nhập khẩu có giá thấp hơn tới 40% so với đá lạnh sản xuất tại Iceland.
Iceland và Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển được coi là “5 quốc gia Bắc Âu” là vì tuy Iceland nằm sát vòng Bắc Cực, nhưng lại có dòng ấm của Bắc Đại Tây Dương chảy qua phía Tây, Bắc và Nam. Vì vậy nên nhiệt độ trung bình năm của Iceland nằm trong mức vừa phải, mùa đông rơi vào khoảng – 4 độ C, mùa hè có mức nhiệt nằm trong khoảng 7-12 độ C. Nhưng do có vĩ độ cao, lại nằm sát với vòng Bắc Cực nên dù vào mùa nào thì tại quốc gia này đều có tuyết. Tuy nhiên dù vào mùa đông thì đường ven biển cũng sẽ không bị đóng băng.
*Theo Amusing Planet, CNTraveler