Kỳ lạ quốc gia nhập khẩu 700.000 tấn rác mỗi năm, biến 99% rác thải thành tài nguyên làm ra 'của quý' với mọi gia đình
Tại quốc gia này, rác thải trở thành một nguồn tài nguyên và là sản phẩm trong một chuỗi kinh doanh tạo ra nguồn lợi nhuận lớn.
Mỗi năm, thế giới tạo ra 2,01 tỷ tấn chất thải rắn đô thị đủ để phủ kín bốn lần diện tích Trái Đất. Tuy nhiên, Thụy Điển đã biến vấn đề rác thải thành một cơ hội vượt trội. Chương trình tái chế rác thải thành năng lượng đã giúp Thụy Điển gần như loại bỏ hoàn toàn rác thải sinh hoạt. Đặc biệt, trong năm 2015, 2,3 triệu tấn rác đã được chuyển thành năng lượng tại 32 nhà máy trên khắp đất nước, cung cấp nhiệt sưởi ấm cho hơn 900.000 ngôi nhà.
Vào năm 2016, Thụy Điển gặp một vấn đề "ngược đời" khi nguồn rác thải của họ dần trở nên cạn kiệt. Để tiếp tục duy trì hệ thống năng lượng từ rác, quốc gia này bắt đầu nhập khẩu rác từ các nước như Anh, Na Uy và Ý. Các quốc gia này còn phải trả tiền để Thụy Điển xử lý rác giúp họ, biến rác thành một nguồn tài nguyên năng lượng quý giá đóng góp gần một nửa sản lượng điện của Thụy Điển từ năng lượng tái tạo.
Những loại rác không thể tái chế được đốt để thu hồi năng lượng, trong khi rác thải ngành dệt may được tái sử dụng, góp phần thúc đẩy tính tuần hoàn. Khoảng 40% chất thải hữu cơ tại Thụy Điển được chuyển thành khí sinh học để làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông.
Thậm chí, những chất thải độc hại cũng được tái tạo thành điện năng để sưởi ấm hoặc làm mát khu vực. Quá trình này được quản lý chặt chẽ để đảm bảo khí thải luôn nằm trong giới hạn cho phép. Tái chế rác đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng ở Thụy Điển, với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Năm 2020, Thụy Điển tái chế 87% chai nhựa PET, 87% lon nhôm và 61% vật liệu đóng gói. Rác thải thực phẩm cũng được chuyển hóa thành khí sinh học, dùng để vận hành xe buýt công cộng và sưởi ấm các tòa nhà chung cư, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Thụy Điển đã đầu tư mạnh vào công nghệ thu gom rác tiên tiến, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Hệ thống hút chân không tự động được lắp đặt trong các khu dân cư, giúp giảm thiểu đáng kể việc sử dụng xe chở rác. Hệ thống chứa rác ngầm không chỉ giúp giải phóng diện tích mặt đường mà còn ngăn ngừa tình trạng bốc mùi khó chịu.
Trong khi nhiều quốc gia vẫn đau đầu tìm cách xử lý rác thải, Thụy Điển lại nhập khẩu khoảng hơn 700.000 tấn rác từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm. Thậm chí, rác đã trở thành một nguồn tài nguyên quan trọng, góp phần giúp quốc gia này giảm khoảng 2,2 triệu tấn khí CO2 phát thải mỗi năm.
Chính phủ cũng tạo điều kiện thuận lợi bằng cách bố trí các trạm tái chế chỉ cách 300 mét từ các khu dân cư, giúp người dân dễ dàng và thuận tiện tham gia vào hệ thống tái chế. Để khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống tái chế, Thụy Điển áp dụng nhiều ưu đãi hấp dẫn, như phiếu giảm giá khi mua hàng hoặc phần thưởng khác. Tuy nhiên, điều thú vị và thiết thực nhất chính là lượng rác mà mỗi người dân đem tái chế có thể được chuyển hóa thành điện năng, dùng ngay trong chính ngôi nhà của họ.
Nói cách khác, bạn có thể tự tạo ra nguồn điện phục vụ cho cuộc sống hằng ngày chỉ bằng cách mang rác đến các điểm tái chế. Chính nhờ đường lối rõ ràng và sự đồng lòng của người dân mà Thụy Điển đã biến gánh nặng rác thải thành một hoạt động kinh doanh có lãi, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Bất chấp những thách thức từ biến đổi khí hậu và khan hiếm nhiên liệu hóa thạch, Thụy Điển đã tự mình giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất của nhân loại. Không chỉ vậy, quốc gia này còn trở thành hình mẫu tiên phong trong ngành tái chế, với chiến lược "đại dương xanh" kết hợp cả công nghệ, trách nhiệm xã hội và hiệu quả chi phí.
Ngày nay, mỗi gia đình ở Thụy Điển đều tự động phân loại rác mà không cần nhắc nhở. Từ giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh đến đồ điện gia dụng, pin, và thậm chí cả thực phẩm – tất cả đều được tái sử dụng. Giấy được nghiền nhỏ để tái chế thành giấy mới, chai nhựa được nung chảy để tạo ra các sản phẩm mới, còn thực phẩm thừa sẽ biến thành phân bón hoặc khí sinh học.
Đặc biệt, ngay cả các hiệu thuốc cũng chấp nhận mua lại thuốc thừa, giúp giảm thiểu đáng kể lượng rác thải y tế. Điều này khiến Thụy Điển trở thành một quốc gia gần như không có rác thải y tế.